Chỉ trong vòng một năm trôi qua, hàng trăm ngư dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại tiếp tục phải đối mặt với tình trạng tôm hùm chết hàng loạt.
100 tỷ đồng trôi theo bọt nước
Trên con đường từ QL1A rẽ về phía Bãi Đồng, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, sáng 28-5, chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh nhiều ngư dân đang thẫn thờ bên những giỏ tôm hùm chết mới đưa từ lồng bè vào bờ. Trong khi đó, hàng chục ngư dân ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên đang tất bật chèo thuyền thúng ra lồng bè vớt vát những con tôm sống dở, chết dở để bán.
Ông Lê Thành Tâm, trú ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương, buồn rầu cho biết: “Gia đình tui lần lượt thả nuôi hơn 16.000 con tôm hùm bông với nhiều độ tuổi khác nhau. Chỉ sau mấy ngày đêm xảy ra sự cố bất thường về môi trường, đã có hơn một nửa số tôm bị chết và đến giờ này tình trạng tôm chết vẫn đang tái diễn. Nếu tính giá tôm thương phẩm tại thời điểm này thì số tiền mất trắng không dưới 5 tỷ đồng”.
|
Tôm hùm chết hàng loạt khiến ngư dân khốn đốn. |
Ông Trần Ngọc Lâm, trú ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương xót xa: “Sắp đến thời điểm xuất bán rồi nhưng 2.000 con tôm hùm bông của gia đình tui bị chết, thiệt hại ít nhất khoảng 2 tỷ đồng”.
Trước khi xảy ra sự cố tôm chết hàng loạt, ngư dân phát hiện một số cua, cá, ghẹ sinh sống tự nhiên ở tầng đáy trong vịnh Xuân Đài bị chết bất thường từ giữa tháng 5-2017, vài ngày sau đó màu nước ở nơi ngư dân thả nuôi tôm hùm trong lồng bè chuyển sang màu đỏ.
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, thống kê chưa đầy đủ, đến sáng 28-5 đã có 523.970 con tôm hùm với nhiều độ tuổi khác nhau của 342 hộ gia đình ngư dân ở thị xã Sông Cầu bị chết, thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, ở xã Xuân Phương có 418.770 con tôm hùm của 141 ngư dân bị chết, ở phường Xuân Yên có 105.200 con tôm hùm của 202 ngư dân bị chết.
Giám đốc Sở NN&PTTT Phú Yên – ông Nguyễn Trọng Tùng cho hay, Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã thu thập mẫu nước để kiểm nghiệm, phân tích. Kết quả cho thấy thành phần tảo chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn; các chỉ tiêu NH3 (Amoniac), PO4 (Phốt-phát) đều vượt ngưỡng cho phép, chỉ tiêu ôxy hòa tan trong nước quá thấp. Sau khi xét nghiệm mẫu bệnh phẩm do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cung cấp, cơ quan Vùng IV kết luận tôm hùm nhiễm bệnh sữa.
Một số chuyên gia nuôi trồng thủy sản cho rằng, mật độ lồng bè tự phát và số lượng tôm thả nuôi trong mỗi lồng quá nhiều, trong khi đó chất thải từ thức ăn thừa tích tụ tầng đáy gây ô nhiễm môi trường nước.
Mặt khác, trước và trong thời điểm tôm hùm chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài, thời tiết khu vực này đột biến bởi những cơn mưa giông đổ ập xuống bất chợt tạo nên hiện tượng phân tầng nước, sau đó nắng nóng kéo dài khiến cho nhiệt độ trong nước tăng cao, dẫn đến quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra rất mạnh, tảo độc phát triển gây nên hiện tượng thiếu oxy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của tôm nuôi trong lồng bè và các loài thủy sản tự nhiên.
Lưu ý tảo độc
Trước thực trạng nêu trên, cùng với việc cử đội ngũ kỹ sư thủy sản giám sát, hướng dẫn ngư dân phòng chống dịch bệnh, đồng thời sử dụng nguồn hóa chất dự trữ quốc gia để hỗ trợ ngư dân tiêu hủy số lượng tôm chết không thể tiêu thụ, Sở NN&PTNT Phú Yên khuyến cáo ngư dân nâng lồng nuôi tôm cách đáy từ 1 - 1,5m, thường xuyên thu dọn vệ sinh lồng bè, cần bổ sung các loại vitamin, men tiêu hóa trong thức ăn tôm. Khi phát hiện dấu hiệu tôm bị ngạt cần khẩn trương di dời lồng nuôi đến nơi thông thoáng đảm bảo đủ oxy.
Cần phải nhắc lại rằng, trong năm 2015, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tại TP Nha Trang) đã đến Phú Yên tiến hành quan trắc môi trường tại 4 vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, thị xã Sông Cầu và xã An Hòa, huyện Tuy An.
Kết quả cho thấy, những vùng nuôi tôm nêu trên đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ, mật độ vi khuẩn vibrio tổng hợp đều vượt giới hạn cho phép từ 1,8 - 3 lần, một số loài tảo độc vẫn còn xuất hiện gây suy giảm chất lượng nước và ảnh hưởng khả năng hô hấp của tôm hùm, nếu kéo dài tình trạng này sẽ không tránh khỏi nguy cơ tôm chết hàng loạt.
Lúc đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 và Trung tâm Giống - kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã khuyến cáo người nuôi tôm chú trọng thu dọn vệ sinh lồng bè, giảm mật độ tôm hùm trong mỗi lồng nuôi từ 80-90 con xuống 50 con, đồng thời kiểm quản nguồn thức ăn cung cấp cho tôm không để dư thừa, bổ sung định kỳ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho con tôm. Những vùng nước xuất hiện tảo độc khá nhiều, cần phải thường xuyên thu gom, xử lý chất thải để hạn chế nguy cơ ô nhiễm và ngăn ngừa tảo độc phát triển.
Vấn đề đáng lưu tâm là những thông tin khuyến cáo nêu trên có được chuyển tải đến người nuôi tôm hay không, chuyển tải bằng hình thức nào để người dân dễ tiếp thu, nâng cao nhận thức khoa học. Mặt khác, đã đến lúc tỉnh Phú Yên cần quy hoạch tổng thể nghề nuôi tôm hùm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung, gắn liền với những giải pháp khoa học bền vững.
Theo Hữu Toàn/ Công an nhân dân