Đa dạng các sản phẩm khô phục vụ thị trường Tết
Cập nhật lúc 23:16, Thứ hai, 25/01/2016 (GMT+7)
Từ lâu, khô (cá khô) là loại đặc sản được nhiều người tiêu dùng chọn làm quà tặng người thân, bạn bè vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, sản phẩm khô trên thị trường rất đa dạng với nhiều chủng loại được sản xuất theo quy trình từ truyền thống đến hiện đại nhưng vẫn giữ được hương vị quê nhà rất riêng. ( Tết Nguyên Đán, sản xuất khô, thị trường tết)
Từ lâu, khô (cá khô) là loại đặc sản được nhiều người tiêu dùng chọn làm quà tặng người thân, bạn bè vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, sản phẩm khô trên thị trường rất đa dạng với nhiều chủng loại được sản xuất theo quy trình từ truyền thống đến hiện đại nhưng vẫn giữ được hương vị quê nhà rất riêng.
Nghề sản xuất khô ở Đồng Tháp chủ yếu theo phương thức thủ công, hộ gia đình. Mỗi năm, các làng nghề sản xuất khô cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn khô các loại. Nếu những năm trước sản phẩm khô chỉ gói gọn một vài loại thì đến nay thực đơn cho đặc sản này phong phú thêm với khô cá sặc rằn, khô trâu, khô cá trê, khô nhái...
Theo thông lệ, thời gian sau Tết Dương lịch là các cơ sở sản xuất khô thuộc khu vực xã Phú Thọ, huyện Tam Nông lại tập trung vào chế biến đặc sản cá khô để phục vụ thị trường Tết. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên việc sản xuất tấp nập hơn. Chị Nguyễn Thị Hương ngụ ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Gia đình tôi từ lâu đã quen thuộc với nghề làm khô cá lóc. Vào vụ khô Tết, việc sản xuất phải tăng hơn ngày thường gấp 3 - 4 lần mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Thị trường tiêu thụ của cơ sở thường là các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Việc sản xuất năm nay khá thuận lợi do giá cá nguyên liệu những ngày qua vẫn giữ mức bình ổn”.
Anh Huỳnh Văn Thạnh ngụ ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Kể từ giữa tháng 11 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm nhộn nhịp nhất của nghề làm khô. Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất nhỏ lẻ để bỏ mối tại các chợ trong huyện, nay món đặc sản này được bán sang các tỉnh lân cận. Vào dịp Tết, mỗi tuần gia đình tôi sản xuất từ 2 - 4 tấn cá lóc. Cứ 4kg cá lóc tươi cho ra khoảng hơn 2kg khô”.
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp cho biết: “Năm nay, các sản phẩm khô cá lóc, khô cá sặc rằn của Công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng sớm hơn năm trước khoảng 2 tuần. Dịp Tết năm nay, Công ty ra mắt sản phẩm khô cá trê và các bộ phận từ cá lóc như: gò má, đầu cá... nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Giá các sản phẩm khô của Công ty vẫn giữ mức bình ổn. Cụ thể, giá các loại khô dao động từ 230.000 - 330.000 đồng/kg. Dự kiến, dịp Tết năm nay sản lượng khô của Công ty cung ứng ra thị trường hơn 10 tấn”.
Bên cạnh các loại cá khô, đặc sản khô trâu cũng được người tiêu dùng biết đến với hương vị mang đậm chất vùng quê biên giới Tân Hồng. Theo chủ cơ sở Ba Dừa thuộc thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, những năm gần đây, khô trâu là mặt hàng được nhiều người biết đến, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán rất hút hàng. Trước đây, khô trâu chỉ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg nhưng giờ do thịt trâu tươi rất khan hiếm nên giá đẩy lên khoảng 750.000 đồng/kg. Ngoài ra, khô nhái cũng là đặc sản được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán, giá thành sản phẩm này cũng khá cao, dao động từ 550.000 - 650.000 đồng/kg.
Theo Báo Đồng Tháp
.