(BVPL) - Với những lời quảng cáo hấp dẫn như: quý hiếm, có công dụng tốt cho sức khỏe, thậm chí là phòng tránh được ung thư, kèm theo đó là giá hạt - cây giống được rao bán với giá... trên trời, cà chua thân gỗ đang được nhiều người đổ xô săn tìm.
Trở lại với việc nhiều người đổ xô săn tìm loại cây này để trồng. Cách đây mấy năm, gia đình chị Phạm Thị Xuân Thủy, ngụ thôn Klong, xã Định An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng – là một trong những hộ đầu tiên trồng được giống “cà chua thân gỗ” và cho ra trái thành công. Chính vì “sự kiện” này mà nhiều người đã đổ xô săn tìm nguồn giống để trồng, từ đó, hàng trăm điểm cung cấp hạt, cây giống mọc lên như nấm sau mưa tại khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. PV cũng được biết, cơ sở chị Thủy cũng đang bán hạt – cây giống này với giá 50.000 đồng/hạt và 500.000 đồng/cây, loại lớn (cao chừng 20 – 30cm).
Trong vai người cần mua loại hạt giống này, PV được chị Kiều, chủ một cơ sở bán hạt giống trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tư vấn nhiệt tình: “Loại cà chua này đang được người ta tìm mua dữ lắm. Hồi trước, nó mới xuất hiện ở Việt Nam không có mà bán luôn đó. Đây là cà chua thân gỗ, em có thể trồng bằng cây (chiết, ghép) hoặc bằng hạt giống. Tuy nhiên, trồng bằng hạt sẽ tiết kiệm hơn nhiều”.
Theo đó, chị Kiều báo giá cho PV: “Chị bán gói (khoảng 4- 5 hạt/gói) với giá là 268.000 đồng nhưng đang có chương trình giảm giá, chỉ còn 190.000 đồng/gói (giảm 26%)”. Như vậy, nếu tính ra, mỗi hạt giống có giá gần 50.000 đồng.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về tỷ lệ hạt nảy mầm thành công thì chị Kiều nói: “Cái đó còn tùy vào cách gieo và những điều kiện khác nữa như khí hậu, đất, nước... nhưng không dưới 50% đâu”.
Đắt có xắt ra miếng?
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, các điểm đang rao bán hạt – cây giống cà chua thân gỗ từ nhiều nước khác nhau như: Ecuado, Hà Lan, Nhật Bản... và đa phần quảng cáo là giống f1, được trồng tại Việt Nam. “Hiện em đang bán hạt giống cà chua thân gỗ f1 xuất xứ châu Âu. Giống f1 kháng bệnh khỏe và có sức sống rất tốt. Có bỏ sỉ số lượng lớn cho nhà vườn”, người tên Liên ở quận Gò Vấp, TP.HCM tư vấn cho PV.
Tuy nhiên, loại cà chua này không phải trồng nơi nào cũng đạt được hiệu quả và năng suất như quảng cáo, đó là chưa kể nhiều nơi, cây khó sống và phát triển không bình thường. Chị Nguyễn Thị Thu, ngụ quận 12, TP.HCM cho biết: “Tôi cũng nghe tư vấn về loại cà chua này và mua thử 5 hạt về gieo. Thế nhưng, không hiểu do cách tôi gieo hay thổ nhưỡng, khí hậu mà chỉ mọc được 2 cây. Sau đó, tôi cũng chăm sóc theo như hướng dẫn nhưng được vài tháng thì cây chết”.
Trước việc nhiều người đổ xô săn tìm và trồng giống cà chua này, TS Nguyễn Văn Lâm, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng: “Không phải cứ thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào, mà cần phải tính toán kỹ lưỡng. Đối với cây tamarillo cũng vậy, nó khác với cây cà chua thông thường. Giống cây tamarillo phải trồng ở khu vực đất giàu chất dinh dưỡng, thoát nước tốt, được chiếu sáng đầy đủ... nên không thể nói, trồng lên có cây, sau đó sẽ có quả ngay được”.
Đánh giá về giá trị dinh dưỡng của loài cà chua thân gỗ, theo một số chuyên gia thì nó không hẳn vượt trội so với loại cà chua thông thường. “Dù lượng vitamin C, E có cao hơn nhưng vitamin A và một số khoáng chất trong tamarillo còn thấp hơn cà chua thông thường. Qua so sánh, chúng tôi thấy, trong 100gr tamarillo cung cấp 31 kilo calo, còn cà chua thường cũng cung cấp đến 18 kilo calo”, chuyên gia dinh dưỡng, TS. Nguyễn Thị Hạnh, trường Đại học Y dược TP. HCM cho biết.
Hiện nay, theo ghi nhận của PV, loại cà chua này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên chỉ những người có tiền mới mua về thưởng thức. “Khi nó đã trở nên phổ biến, nhiều người, nhiều nơi trồng được thì chắc chắn giá sẽ giảm xuống, khi đó, người trồng lại phải tính toán đến đầu ra cho sản phẩm giống như các loại trái, hoa quả trước đây. Mà điển hình như cà chua đen chẳng hạn, lúc mới ra, giá lên tới 200.000 đồng/kg thì này chỉ còn 50 – 70.000 đồng/kg”, TS Nguyễn Văn Lâm nói thêm.
Hoa Việt