Sáng nay, tại TP. HCM đã diễn ra hội thảo bàn về “giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư” do báo Thanh Niên tổ chức. Tại buổi hội thảo, đại diện các Sở ban ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm mang lại sự an toàn trong việc phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, vẫn ẩn chứa trong đó nhiều bất cập mà chúng ta chưa có một giải pháp triệt để.

Thảm họa tại Carina Plaza đã cho thấy nhiều bất cập trong khâu quản lý nhà nước, sự thờ ơ của chủ đầu tư, ý thức trách nhiệm của cư dân và vai trò của ban quản lý tòa nhà. Chính điều đó đã khiến cho kết quả của vụ hỏa hoạn thiệt hại vô cùng lớn cả về người và tài sản, để lại nổi ám ảnh cho người bị nạn cũng như cộng đồng xã hội.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà và công sở Sở Xây dựng TP. HCM chia sẻ tại hội thảo

Từ thảm họa này, chúng ta có thể thấy rõ vai trò của 5 chủ thể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cháy nổ như sau:

Chủ đầu tư dự án

Trách nhiệm chủ đầu tư dự án là phải thực hiện thi công công trình phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiệm thu công trình PCCC trước khi đưa cư dân vào sinh sống. Chịu trách nhiệm trước cư dân về công trình PCCC của dự án.

Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư dưới áp lực giao nhà kịp tiến độ đã làm liều cho cư dân vào ở khi chưa nghiệm thu công trình PCCC. Điển hình như chung cư Bảy Hiền Tower, số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, năm 2016 đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở, trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Hoặc đã nghiệm thu công trình PCCC nhưng không quan tâm triệt để đến công tác phòng chống cháy nổ của chung cư. Không kiểm tra, xử lý khi các hạng mục trong công trình PCCC bị xuống cấp hoặc hư hỏng. Không tập huấn nghiệp vụ PCCC cho những người có chức năng, nhiệm vụ giám sát tòa nhà chung cư và cư dân... dẫn đến mọi thứ dường như bị tê liệt khi hỏa hoạn xảy ra hay bất lực trước đám cháy.

Chủ đầu tư cố tình không cho thành lập ban quản trị chung cư, tự chọn đơn vị quản lý tòa nhà và chiếm giữ nguồn kinh phí đóng góp từ cư dân gây chậm trễ trong việc khắc phục sự cố khi một số hạng mục PCCC tại dự án hư hỏng, xuống cấp.

Ban quản lý vận hành chung cư

Vai trò của ban quản lý chung cư rất quan trọng, quản lý, giám sát mọi hoạt động tại chung cư trong đó có công tác PCCC.

Trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc có ý kiến phản hồi của cư dân về vấn đề liên quan đến an toàn cháy nổ của tòa nhà thì phía ban quản lý phải phối hợp với Ban quản trị hoặc chủ đầu tư để khắc phục kịp thời.

Việc rất nhiều chủ đầu tư không bàn giao quyền quản trị chung cư cho cư dân, khiến vai trò của ban quản lý tòa nhà lệ thuộc rất nhiều vào chủ đầu tư, dẫn đến chất lượng dịch vụ đi kèm còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Một số đơn vị quản lý cho rằng, việc hạn chế, khó khăn trong chi phí PCCC ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo tối ưu an toàn phòng chống cháy nổ tại chung cư.

Ban quản trị

Ban quản trị có vai trò quyết định và đại diện cho cư dân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cư dân. Trong công tác PCCC ban quản trị có quyền chọn cho mình những đơn vị có dịch vụ vận hành tòa nhà tốt, chuyên nghiệp. Có quyền quyết định chi phi sửa chữa, thay thế các hạng mục, các thiết bị PCCC của tòa nhà nhằm mang lại sự an toàn nhất cho cư dân.

Tuy nhiên, rất nhiều chung cư không có ban quản trị, hoặc đang tranh chấp hay có nhưng vai trò rất mờ nhạt, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác PCCC cho tòa nhà.

Cư dân

leftcenterrightdel
 Một cư dân trong thảm họa Carina Plaza đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước tại hội thảo

Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra tại một chung cư trên địa bàn quận 2, TP. HCM với nguyên nhân ban đầu là do cục xạc dự phòng cắm lâu ngày phát hỏa, rất may vụ việc không gây thiệt hại về người và ngọn lửa nhanh chóng bị khống chế.

Trường hợp khác cũng trên địa bàn quận 2, TP. HCM tại hầm để xe của một dự án, chủ nhân của một chiếc xe đã làm lễ cúng xe ngay trong hầm để xe và đốt nhang. Tuy vụ việc chưa gây ra hỏa hoạn, nhưng hành động trên khiến cộng đồng mạng ngán ngẩm, lắc đầu.

Có lẽ, mọi giải pháp sẽ an toàn hơn khi ý thức của người dân sinh sống trong chung cư phải tốt, tuyệt đối chấp hành các quy định về PCCC, có trách nhiệm với công đồng cư dân và không vì lợi ích, sở thích cá nhân mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn cháy nổ của toàn chung cư.

Cơ quan quản lý nhà nước

Trong khuôn khổ buổi hội thảo “giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư”, một cư dân của Carina plaza câu hỏi: “Gia đình tôi có 17 thành viên và đã có 3 người mất đi trong vụ hỏa hoạn tại Carina plaza, vậy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vụ việc trên như thế nào?”

Đó chính là câu hỏi chung của rất nhiều cư dân, không riêng gì cư dân tại Carina Plaza. Theo đại diện của Sở Xây dựng TP. HCM thì cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc PCCC tại chung cư, cụ thể:

-         Tuyên truyền, tập huấn cho 4 chủ thể nêu ở trên về công tác PCCC

-         Chọn chủ đầu tư, vị trí dự án, đơn vị quản lý vận hành phải đảm bảo được công tác PCCC

-         Kiểm tra hậu kiểm tại các chung cư cao tầng về tính an toàn phòng chống cháy nổ và xử lý kiên quyết

-         Cải tạo, xây mới chung cư cũ không đáp ứng được điều kiện PCCC trên địa bàn TP. HCM

-         Về pháp luật, các biện pháp, chế tài xử lý vị phạm đối với chủ đầu tư, cư dân còn nhiều bất cập và cần có những quy định chặt chẽ hơn.

Đại diện cảnh sát PCCC công an TP. HCM cho biết, đơn vị luôn làm tốt công tác nghiệm thu công trình PCCC cũng như tuyên truyền, tập huấn cho các chủ thể nêu trên. Tuy nhiên, sự chấp hành của chủ đầu tư và cư dân vẫn là yếu tố quyết định.

leftcenterrightdel
Đại tá Phùng Ngọc Quang chia sẻ về công tác quản lý PCCC cũng như những kinh nghiệm đối phó với hỏa hoạn tại hội thảo 

Bên cạnh đó, đại diện cảnh sát PCCC còn chia sẻ kinh nghiệm, một số giải pháp khi đối mặt với hỏa hoạn là: Phải hết sức bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm an toàn. Phải biết nên đi lên hay đi xuống tòa nhà tùy vào vị trí đám cháy. Nếu lối thoát hiểm đã bị khói xâm nhập, nên vào phòng cố thủ và có những kỹ năng chống ngạt... để chờ đội cứu hộ tới đưa ra ngoài.

Sơn Tùng - Đình Quân