Những ngày qua tại các huyện Tây Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên) người dân đổ xô đi chặt cây sắn bán. Cách đây 2 năm, cảnh mua bán cây sắn cũng diễn ra rầm rộ, làm cho nhiều nơi sau này không có hom sắn giống để trồng dặm...

 

Tình trạng thiếu hụt nguồn cây sắn giống cũng diễn ra tại nhiều địa phương. Khi giá hom sắn tăng cao tạo điều kiện cho nhiều nông dân kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cũng khiến cho nhiều diện tích sắn trồng trước đó bị nắng hạn sau này thiếu giống để trồng dặm.

Bà Lê Thị Linh, ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) giải bày: “Ở đây có nhiều gia đình trồng sắn cùng thời điểm với tôi, sắn mọc thưa thớt do nắng nóng kéo dài. Mấy ngày qua tôi đi tìm sắn cây để trồng dặm nhưng không có”. Cách đây 2 năm, nhiều người rủ nhau đi chặt cây sắn bán, đầu mùa nhiều người thu nhập 200.000 đến 300.000 đ/ngày. Có người chở cây sắn về nhà chất đống chờ khô làm củi, thương lái hỏi mua bán tiền triệu.

Tuy nhiên, một thời gian sau khi nhà nhà đi chặt cây sắn chất đầy xung quanh nhà chờ thì thương lái biến mất. Thương lái đặt hàng số lượng khủng rồi không mua vì thế cây sắn ế chất đầy vườn nhà ra cả ngoài ngõ, một số đống chết khô, còn một số nảy mầm. Tình trạng cây sắn ế lan rộng ra các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, một tài xế xe tải ở huyện Đồng Xuân cho hay: Cây sắn mua rồi chở thẳng lên Gia Lai bán lại cho các thương lái đặt hàng. Tại đây họ bán đi đâu thì không rõ. Còn chị Thủy, một thương lái mua cây sắn ở huyện Tây Hòa cho hay: Cây sắn mua xong chở vô các tỉnh phía Nam bán lại cho khách hàng đặt sẵn theo thỏa thuận.

Điều đáng lo ngại đó là hiện nay các vùng trồng sắn ở Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An đang bị bệnh chổi rồng. Bệnh nhện đỏ hại sắn đang phát sinh gây hại tại huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Đây là các bệnh lây truyền nhanh qua đường vận chuyển hom giống, vì vậy nếu không ngăn chặn kịp thời thì bệnh lây lan trên diện rộng, khả năng bùng phát thành dịch.

Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BYTV Phú Yên, cho hay: Để phòng trừ bệnh chổi rồng, nhện đỏ hại sắn, tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh. Tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh. Khi trồng sắn sử dụng hom đã sạch bệnh. Không được vận chuyển cây sắn từ vùng có bệnh sang các vùng khác.

Song, hiện tại làm sao ngăn nổi "cơn lốc" hom sắn ở Phú Yên?


Theo Mạnh Hoài Nam
Nông nghiệp Việt Nam

.