Quán cơm bình dân là nơi tiêu thụ các loại thực phẩm có hóa chất, gia vị Trung Quốc nhiều nhất. Từ gạo, thịt, cá... món ăn nào cũng có thể bị ướp hóa chất.   


Lời cảnh báo trên hoàn toàn có cơ sở khi ra chợ Kim Biên (quận 5) mua chất ướp đồ nướng tương đối dễ dàng. Người bán gọi loại hoá chất này là "hương thịt" vì có mùi như thịt, thoảng mùi thơm của món nướng. Hoá chất có hai dạng: bột và dung dịch. Dạng bột có màu trắng hoặc vàng kem, giá 30.000-80.000 đồng/100g; dạng dung dịch 30.000-35.000 đồng/100g.

Tất cả đều được đóng trong can hoặc bịch, không hề có nhãn mác. Khách mua lẻ, người bán chiết qua chai nhỏ hoặc đóng sẵn bịch nhỏ để bán. Theo người bán, đây chỉ là hương liệu giúp tạo mùi thơm nên vẫn phải nêm gia vị.

Lý giải vấn đề này, giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen, TP.HCM, nói rằng bất cứ món ăn nào khi đang nóng đều có màu sắc đẹp và mùi thơm, nhưng đến lúc nguội thì không còn giữ nguyên sắc thái ban đầu. Trong khi đó, nếu ướp bằng hoá chất thì món ăn vẫn giữ được mùi thơm và màu sắc tươi nguyên mặc dù đã chế biến trước đó nhiều giờ.

Còn về tác hại, ảnh hưởng của những hóa chất trôi nổi đối với người dùng, BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN, nhận xét: "Bản thân người bán hoá chất và người mua hoá chất cũng chẳng biết đó là gì, công thức ra sao. Họ chỉ biết chung chung đây là chất tẩy trắng thịt, hương liệu bỏ vào nước có mùi trái cây... ăn không chết!".

Thực tế, các loại thức ăn, đồ uống chưa có nhiều chất độc tới mức gây ngộ độc. Tuy nhiên, sau mỗi lần ăn nhậu chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, tới lúc đủ sẽ tàn phá cơ quan phủ tạng. Song, vì lợi nhuận, nhiều chủ quán cơm bình dân vẫn lén lút sử dụng, trong khi các quán này vẫn là sự lựa chọn của phần đông sinh viên và công nhân lao động.


Theo VEF

.