’Cò mứt’ làm xấu hình ảnh Đà Lạt
Cập nhật lúc 15:44, Thứ bảy, 11/05/2013 (GMT+7)
Liên quan vụ “Chê đặc sản Đà Lạt đắt, tài xế bị đánh dằn mặt”, Công an TP Đà Lạt đã xác định tham gia vụ hành hung này là các “cò mứt” cho các cơ sở kinh doanh đặc sản trên đường Nguyên Tử Lực. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Liên quan vụ “Chê đặc sản Đà Lạt đắt, tài xế bị đánh dằn mặt”, Công an TP Đà Lạt đã xác định tham gia vụ hành hung này là các “cò mứt” cho các cơ sở kinh doanh đặc sản trên đường Nguyên Tử Lực.
|
Du khách mua đặc sản tại các cơ sở kinh doanh mứt ở Đà Lạt - Ảnh: Mai Vinh |
Gần 100 ý kiến phản hồi của bạn đọc về bài viết này đã có cùng phản ứng là không chấp nhận được kiểu kinh doanh như vậy ở một thành phố du lịch. Dưới đây là một số ý kiến.
Ông Nguyễn Khanh (chủ một cơ sở kinh doanh mứt trên đường Nguyên Tử Lực, đã giải nghệ hơn mười năm):
Tiếp tay cho hàng Trung Quốc
Trước đây, mứt đặc sản Đà Lạt thường bán theo kiểu gia đình làm rồi bán cho du khách, lấy công làm lời. Khoảng năm 2000, mứt Trung Quốc rộ lên thì nhiều lò đồng loạt ngưng sản xuất và chuyển sang nhập hàng về bán. Lý do là rất nhiều sản phẩm giá rẻ đến kinh ngạc, mà nếu tự sản xuất không thể nào có giá rẻ đến như vậy. Ví dụ, đặc sản khô bò bỏ sỉ cho các “lò” chỉ có giá 80.000-90.000 đồng/kg trong khi để làm được 1kg bò khô cần khoảng 3kg bò tươi (200.000 đồng/kg).
Tất nhiên các lò sẽ chọn mặt hàng giá rẻ “một cách lạ lùng” rồi đẩy giá lên cao để kiếm lãi và có chi phí chi trả hoa hồng cho tài xế, hướng dẫn viên, cò, tiền lương nhân viên, tiền thuế... Mặc dù gánh hàng loạt khoản phí như vậy nhưng theo tính toán của tôi mức lãi của họ ít nhất là 50%. Lúc còn kinh doanh đặc sản, tôi thường áy náy về chất lượng sản phẩm, vẫn thường đặt ra câu hỏi: không hiểu người ta sản xuất các loại mứt, đặc sản này bằng cái gì mà giá bán (sỉ) lại rẻ đến thế?
“Cò mứt” đánh hướng dẫn viên, tài xế xe du lịch là chuyện không thể tránh. Lực lượng “cò mứt” được thuê để dắt khách cho các cơ sở mứt với hoa hồng 30%. Họ phải tìm nhiều cách để đưa khách đến lò của mình. Động tay động chân và dọa nạt là cách phổ biến.
Nếu cơ quan chức năng muốn xử lý các lò mứt dạng này thì rất dễ dàng. Chỉ cần ghé qua lò, liếc nhanh một vòng cửa hàng là có thể xử phạt với những chứng cứ tay sờ mắt thấy: hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm các quy định về gắn nhãn mác, không chứng minh được hàng hóa có chất lượng và vệ sinh đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt):
Mất hình ảnh du lịch
Tỉnh Lâm Đồng đã để những lộn xộn trong việc kinh doanh ngành hàng này kéo dài làm ảnh hưởng nặng đến hình ảnh du lịch của tỉnh và của quốc gia, giảm đi sức hút của một thương hiệu du lịch vốn mạnh. Nếu chính quyền không mạnh tay dẹp những lộn xộn thì e rằng những người kinh doanh du lịch sẽ cân nhắc chuyện đưa khách đến Đà Lạt để tránh những rắc rối cho nhân viên hướng dẫn và hành khách.
Hằng năm chúng tôi đưa du khách đến Đà Lạt không phải ít, trong mỗi chuyến đi chúng tôi phải luôn để ý để tránh du khách vướng vào lời mời của những cơ sở trên tuyến đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực. Nhiều du khách phàn nàn du lịch phải được tự do mua sắm, nhưng chúng tôi đành xin lỗi vì lý do an toàn.
Ông Kiều Xuân Việt (phó giám đốc Sở Công thương, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng):
Sẽ xử lý nghiêm
Hoạt động kinh doanh mứt đặc sản trên tuyến đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực diễn ra phức tạp nhiều năm qua. Các cơ quan liên ngành đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý nhưng vấn đề xuất xứ hàng hóa, giá cả, vệ sinh vẫn diễn ra phức tạp. Ngay trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành TP Đà Lạt bắt giữ 1 tạ phấn hoa atisô giả tại nhiều cửa hàng mứt đặc sản trên tuyến đường Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực. Tại cơ sở mứt Ngọc Ánh, đoàn kiểm tra thu giữ 292kg mứt đặc sản các loại có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Chúng tôi đã yêu cầu hơn 200 hộ kinh doanh khu vực này cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, đảm bảo xuất xứ rõ ràng. Sắp tới sẽ tập trung tất cả hộ này lại để phổ biến các quy định trong việc kinh doanh ngành hàng đặc sản, nếu còn tái phạm sẽ xử lý nghiêm.
Theo Mai Vinh
Tuổi Trẻ