Anh Bùi Đình Bá (quận Lê Chân- Hải Phòng) hỏi: Tôi và 02 người bạn cùng học Đại học đang có ý định đầu tư, góp vốn thành lập 01 Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh với số vốn điều lệ dự kiến là 3,5 tỷ đồng. Trong đó tôi góp vốn bằng tiền mặt là 800 triệu để đầu tư mua sắm trang thiết bị văn phòng và quảng cáo phát triển thị trường, 01 người bạn góp vốn bằng chiếc xe ô tô 04 chỗ đã qua sử dụng làm phương tiện đi lại giao dịch với khách hàng, người còn lại góp vốn bằng 01 căn hộ chung cư để làm trụ sở doanh nghiệp.
Xin Luật sư cho biết, bạn tôi có quyền đưa tài sản nhà đất, xe ô tô như vậy góp vốn vào Công ty được không? Điều kiện cụ thể như thế nào? Làm thế nào để xác định chính xác giá trị tài sản góp vốn để tránh tranh chấp về sau này?
Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc trả lời:
Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam , ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty”.
Như vậy, ngoài tiền mặt, các bạn có thể góp tài sản khác như xe ô tô, nhà đất để tạo thành vốn điều lệ hoạt động của công ty theo các thủ thục và điều kiện như sau: Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định:
- Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
- Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản. Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo uỷ quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.
Về vấn đề định giá trị tài sản góp vốn: Tất cả các thành viên sáng lập có quyền tự định giá, định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc theo một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan nhà nước hoặc công chứng.
Khi có thành viên mới góp vốn hoặc khi có yêu cầu định giá lại tài sản góp vốn, người định giá phải là Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị.
Nếu định giá cao hơn so với giá thực tế tại thời điểm góp vốn, người góp vốn và người định giá phải góp đủ số vốn như đã được định giá. Nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Trên đây là phần tư vấn, hướng dẫn cơ bản về tài sản góp vốn, điều kiện góp vốn, định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp để bạn tham khảo trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp. Chúc các bạn thành công trên con đường lập nghiệp, khởi đầu kinh doanh của mình.
Theo Báo Pháp luật