leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Nguồn: Internet


Chăn nuôi lợn có tốc độ phát triển cực nhanh nhưng đến nay ngành hàng này hầu như chưa thể xuất khẩu (XK) theo đúng nghĩa. Trên 4 triệu tấn thịt lợn sản xuất ra hàng năm, ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, phần lớn được thương lái “đánh” hàng qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch để tiêu thụ. 
 
Thống kê cho thấy, trong năm 2016, Việt Nam đã XK tiểu ngạch sang thị trường này gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Nhưng năm 2017, lợn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc dự báo chỉ còn đạt khoảng 2,4 triệu con, giảm tới 80% so với năm 2016. Nếu tình hình không khả quan, con số XK trên sẽ giảm mạnh xuống còn 1,17 triệu con. 
 
Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận rằng, với sản lượng lớn, giá trị của ngành nuôi lợn được đánh giá là lớn hơn cả ngành lúa gạo, nhưng ngành hàng này chưa góp mặt trong nhóm hàng XK chủ lực là một hạn chế lớn của ngành. 
 
Trong khi theo các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển, chi phí nhân công chế biến ở Việt Nam rất thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường lớn. Cùng với việc ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng và quản lý trang trại, giá thành chăn nuôi của Việt Nam đang giảm dần theo thời gian và hoàn toàn có thể cạnh tranh. Với niềm tin như vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng không có lý do gì thịt gà đã xuất khẩu được vào Nhật mà thịt lợn lại không. 
 
Theo dự báo, sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn, đứng thứ 6 trên thế giới. Trong khi đó, thị trường NK thịt lợn trên thế giới ngày càng lớn: mỗi năm Trung Quốc nhập gần 2,2 triệu tấn, Nhật Bản nhập 1,36 triệu tấn, Philippines cũng nhập 195.000 tấn. 
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây đều là những thị trường gần với Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có lợi thế rất lớn để tiếp cận. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đang cản trở con đường “xuất ngoại” của thịt lợn Việt chính là vấn đề chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm.
 
Ông Lee Jong Beom, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Daewon (Hàn Quốc) cho hay: NK thịt lợn của Hàn Quốc tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỉ USD năm 2016 nhưng nguồn cung chủ yếu từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha. Ông này cho rằng, tiềm năng cho các nhà XK như Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên ông lưu ý rằng người Hàn Quốc rất quan tâm đến an toàn thực phẩm, chất lượng.
 
Nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận rào cản lớn nhất chính là do yêu cầu rất cao từ các nước NK. Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) nhấn mạnh: đối tác nước ngoài đều hỏi có truy xuất được thịt không, rủi ro có quản lý được không. Vì thế chẳng còn cách nào khác ngành chăn nuôi buộc phải tái cơ cấu và liên kết với nhau để tạo ra thịt sạch. 
 
Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rằng, cả nước có trên 2.000 lò mổ, chủ yếu là thủ công. Lợn mổ xong đem ra chợ bán cho người tiêu dùng không có gì thay đổi từ hàng trăm năm nay. Vì thế, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh cần phải tổ chức lại khâu giết mổ và phân phối, tái cơ cấu ngành nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi. 
 
Đầu tiên là những chuỗi sản xuất trên quy mô lớn sẽ tập trung vào mục tiêu XK. Ở quy mô vừa cũng phải nâng cao chất lượng cung ứng thịt sạch cho thị trường nội địa. "Các doanh nghiệp đã bắt đầu, vấn đề còn lại là hành động của các cơ quan chức năng trong đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, quản lý dịch bệnh" - ông Cường nói.
 
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh cơ hội đối với ngành chăn nuôi đã đến khi Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đang giai đoạn quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. 

 
P.V