Dư luận lại rộ lên khi Bộ NN-PTNT ra liên tiếp 2 thông tư về cho phép và bỏ cho phép nuôi chồn nhung đen trong vòng nửa tháng.
 

Theo tôi, đó là việc bình thường. Khi ta lỡ đưa ra một quyết định chưa chính xác hoặc chưa kịp thời mà ta mạnh dạn sửa lại thì đó là việc tốt! Tất nhiên, đó cũng là bài học để ta chớ vội đưa ra các thông tư mà chưa được cân nhắc kỹ.

Xin không bàn tới việc đó nữa. Tôi chỉ xin đi vào nội dung: Nên nuôi hay không nuôi chồn nhung đen?

Có lẽ dân mình thích của lạ, thích cái mới cho nên khi nghe có một con vật nuôi khác với các loài cũ thì rất háo hức và tò mò. Nhiều người đổ xô đi xem, đi hỏi. Có người còn đòi nuôi ngay nó. Nhưng khi nhìn thấy loài này, người ta bỗng sững lại, băn khoăn: Đây là chồn hay là chuột?! Rất nhiều người đã gọi điện cho chúng tôi để hỏi về vấn đề này.

Các cụ xưa có câu “Việc bé, xé ra to”. Có lẽ việc này đúng với lời các cụ đã dạy. Thực ra chuyện có gì đâu. Ta nên thông cảm với nhau để “việc to co lại thành việc bé”!

 


Xin quay lại từ đầu. Vào năm 2006, chúng tôi được mời qua Trung Quốc tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp của bạn. Kỹ sư Hoàng Lê Minh (lúc đó là Giám đốc Cty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc) đề nghị đến thăm một cơ sở nuôi một loài mới ở huyện Hoành, tỉnh Quảng Tây. Đây là điểm mà nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã tới thăm. Chúng tôi kéo nhau xuống đó. Đấy là một trại nuôi động vật làm thuốc. Nó rộng như 1 cái hội trường. Trong đó, họ ngăn ra hàng trăm ô, mỗi ô rộng độ 2m2. Bờ vách các ô chỉ cao độ 25 – 30 cm.

Khi chúng tôi mở cửa vào, hàng vạn con vật đen sì, to bằng con chuột cống, chạy nháo nhác. Nhưng chỉ độ nửa phút sau, tất cả chúng đã nhảy về đúng ô của mình và láo lác nhìn chúng tôi. Mỗi ô có từ 10 – 20 con. Tôi trông, nó giống hệt con chuột cô-bay nhưng lông của nó lại đen tuyền. (Ta còn nhớ, chuột cô-bay hay còn gọi là chuột khoang là loài chuột có bộ lông loang lổ các màu trắng, vàng, đen).

Hỏi ra, bạn cho biết: Đó là con hắc thốn. Họ nuôi nó chủ yếu để làm thuốc. Ngoài ra, người ta còn lấy lông, lấy thịt và lấy xương (để nấu cao). Bạn chiêu đãi chúng tôi một bữa bằng thịt hắc thốn. Vì nó nhỏ (chỉ 5 – 7 lạng/con) nên thịt vụn nhưng ăn cũng được. (Tuy nhiên, làm sao mà ngon được bằng thịt gà, thịt thỏ được!).

Con này nuôi rất dễ. Nó hiền lành, nhút nhát và chỉ luôn quanh quẩn bên ô nuôi của mình chứ không chạy đi xa. Khi có hiệu lệnh hoặc có người lạ vào là con nào con nấy nhảy ngay về ô chuồng của mình.

Người ta cho nó ăn cỏ, lá cây, ăn bột ngũ cốc, ăn các phụ, phế phẩm nông nghiệp và cho ăn cả lõi ngô nữa. Cái gì nó cũng ăn được nên rất dễ nuôi. Bọn tôi nghĩ, sao ta không giới thiệu cho bà con nuôi để tăng thêm nguồn thức ăn đạm trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, kỹ sư Hoàng Lê Minh đã đưa về để thử nghiệm ngay tại cơ sở của ông ở Lạng Sơn. Kết quả đã được báo cáo với Bộ NN-PTNT. Bộ cũng giao cho Viện Chăn nuôi Quốc gia thử nghiệm tiếp. Không có việc gì to tát xảy ra.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Lộc là người rất giỏi tiếng Trung Quốc. Ông đi cùng chúng tôi và dịch cho cả đoàn. Chính ông đa đặt cho con hắc thốn cái tên mỹ miều là “chồn nhung đen”. Tôi còn nói đùa với ông: “Bác khéo biến chuột thành chồn, lọ lem thành công chúa đấy!”.

Cái tên thì có nghĩa lý gì! Cũng là “Hùng” đấy nhưng cũng có thể là “anh hùng” hoặc có thể thành “hùng rơm”! Tôi có quen một chị bạn tên là Bạch Tuyết nhưng da của chị lại đen sạm như người châu Phi. Vì vậy, ta phải nhìn nhận vấn đề ở thực chất.

Rất tiếc vừa qua, nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con nên đã tung tin đồn thổi về con chồn nhung đen. Họ ca ngợi nó lên mây xanh để tìm cách bán giống với giá cao cho những người nhẹ dạ cả tin. Ấy vậy mà nhiều người lại tin họ và đua nhau nuôi để mơ sẽ bán được với giá cao hơn nữa. Hệ lụy của việc này là nhiều nhà bại sản còn những kẻ tung tin và bán giống ban đầu thì… biến mất!

Quay lại với các thông tư của Bộ NN-PTNT, chúng tôi cho rằng, có cũng được mà không có cũng được. Thực chất, con chuột cô-bay thì dân ta đã nuôi từ lâu, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vào những năm 90, một anh nông dân ở huyện Mỹ Đức còn khoe với tôi: “Cháu nuôi chuột cô-bay ngay trong các ô chuồng lợn được lót trấu. Nuôi nó dễ lắm! Cháu thui nó và treo lên giá, dưới đề “thịt thú rừng”. Dân Hà Nội nhà bác đi trẩy hội chùa Hương tranh nhau ăn và khen hết lời…”. Anh bạn láu cá ấy kiếm được khá tiền sau mỗi mùa lễ hội.

Ở đây chỉ có cái khác là: Con cô-bay hiện nay lại đen tuyền. Chúng ta đều biết, người Trung Quốc rất thích các loại vật nuôi màu đen như: chó đen, mèo đen và có lẽ cả chuột đen nữa. Ở ta, đã có kẻ lừa đảo: Họ dùng thuốc nhuộm của Trung Quốc và bôi vào mèo mướp để “hóa phép” cho nó thành mèo đen và bán sang cho bạn. Bạn kêu quá trời!

Còn con chồn nhung đen (mà theo tôi nên gọi là con cô-bay đen) thì nên đưa về đúng giá trị của nó. Khi thịt lợn, thịt gà khan hiếm, ta có thể nuôi thêm con cô-bay đen để bổ sung nguồn thức ăn đạm cho bà con (như ta vẫn nuôi thỏ, ếch…).

Nhưng hiện nay, thịt lợn, thịt gà còn lo ế thì nuôi nó làm gì! Trong lúc đó, lại có những kẻ lừa đảo đưa ra các chiêu bài bán hàng đa cấp để dụ dỗ bà con. Vâng, việc rút thông tư đó có khi lại hay hơn. Tôi đảm bảo với các chuyên gia ngành chăn nuôi rằng, con vật này không có vị trí to lớn gì với ngành của chúng ta đâu! Bộ nên công nhận các nghiên cứu công phu vừa qua của các nhà khoa học. Các kết quả xin cứ tạm để đấy. Lúc nào thuận lợi thì ta đưa ra dùng.

Không biết như vậy có được không?
 

Theo Nguyễn Lân Hùng
Nông nghiệp Việt Nam

.