(BVPL) - Theo báo cáo của Bộ Công thương tại cuộc họp về tình hình phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì vừa qua, mỗi năm, chỉ tính riêng các khoản thuế, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng trên 1 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.

 


Đến nay, ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Giai đoạn 2001-2014, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đạt 17%/năm.

Điểm tích cực nữa là các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường, như loại xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hoá trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỉ lệ nội địa hoá trên 45%.

Song bên cạnh đó thì thực tế hiện nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, một số sản phẩm nhựa. Trong số 400 doanh nghiệp, chỉ một số rất ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Hơn nữa, mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã không đạt được. Đến nay, mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó cao nhất là Toyota Việt Nam với riêng dòng Innova, đạt 37%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cũng chưa tạo ra được sự hợp tác-liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Đặc biệt, mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng không đạt được, giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân hạn chế đó đã được đại diện của Toyota Việt Nam cho biết, chính là do những chính sách hiện nay của Việt Nam không có gì khác biệt so các nước khác vẫn áp dụng, do đó chưa tạo được “cú hích” cho ngành ô tô phát triển. Doanh nghiệp này cũng thẳng thắn cho rằng, xuất phát từ tư duy thị trường, doanh nghiệp đương nhiên sẽ hướng tới nhập khẩu nếu chi phí sản xuất bằng hoặc cao hơn. Do vậy, để phát triển ngành công nghiệp ô tô cần có sự đồng hành của cả Chính phủ và các doanh nghiệp.

Vấn đề được các doanh nghiệp tập trung ý kiến là tỉ lệ nội địa hoá, các doanh nghiệp cho biết, họ chắc chắn sẽ tìm kiếm tất cả các khả năng để có thể sản xuất trong nước nếu việc này mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, không nên đặt ra mục tiêu nội địa hoá, thay vào đó nên đặt mục tiêu cụ thể để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam…

Cũng theo các doanh nghiệp, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như TPP, AFTA…sẽ làm cho các loại thuế nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong vài năm tới. Điều này sẽ có 2 kịch bản xảy ra. Đối với các công ty đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, cùng với việc có các cơ sở sản xuất lớn hơn tại các nước ASEAN, sẽ cố gắng duy trì sản xuất, duy trì một vài dòng xe, còn lại sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu. Kịch bản thứ 2 đó là sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của các hãng lớn nhưng chưa có nhà máy tại ASEAN. Cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ muốn qua Việt Nam để hướng tới thị trường khu vực…Với những phân tích đó, đại diện doanh nghiệp cho rằng, nếu có chính sách đúng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Từ ý kiến nhận xét, phân tích của chuyên gia và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế như: tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng... Song thực tế hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều mục tiêu của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trước đây không đạt.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân là do mục tiêu đề ra quá cao, không phù hợp với thị trường, thêm vào đó chưa tạo được sự hợp tác, liên kết, chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Các cơ chế, chính sách đối với ngành ô tô còn thiếu, chưa đồng bộ…


“Mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô là trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, tạo động lực phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xuất khẩu”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Do đó, để đạt được phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Lấy mục tiêu phát triển để hành động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay các doanh nghiệp phụ trợ.


Cụ thể, đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, Phó Thủ tướng đề nghị cần vào cuộc tích cực, chủ động hơn, tăng cường kết nối, phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế, thực hiện tái cấu trúc, lựa chọn sản phẩm chủ lực, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Cùng với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành liên quan cũng cần khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung các chính sách còn thiếu, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh hợp tác, mở rộng thị trường và triển khai các chính sách để hấp dẫn các nhà đầu tư…
 

H. Trâm

.