Quản lý diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các khu chung cư TĐC được UBND TP. Hà Nội giao cho 3 đơn vị, đó là Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội (Cty PTN Hà Nội), Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở. Diện tích dịch vụ các đơn vị này quản lý khoảng gần 80 nghìn m2 với 120 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, có khoảng 50% diện tích không thu tiền vì cho các đơn vị sự nghiệp thuê. Trong khi Hà Nội đang có chính sách mới là sử dụng khoản tiền thu từ các hoạt động kinh doanh tại các khu TĐC để hỗ trợ một phần kinh phí bảo trì tại các khu TĐC thì việc cho nhiều đơn vị được ở miễn phí đã khiến chính sách này của thành phố khó được thực thi.
Trong gần 80 ngàn m2, ngoài 1.500m2 đang được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng, chỉ có khoảng 24 ngàn m2 được cho 85 đơn vị thuê là có thu tiền thuê nhà. Số còn lại, gồm: 32 ngàn m2 đang được UBND TP. Hà Nội cho 44 đơn vị sử dụng miễn phí, 6 đơn vị sử dụng gần 3.000 m2 cũng đã được thành phố giao tài sản công và cho phép bán, và 12 cá nhân, tổ chức đang sử dụng 2.500 m2 trái mục đích chưa được xử lý. Và hiện cũng chỉ còn lại khoảng 16,4 ngàn m2 để trống để có thể đấu giá cho thuê.
Được biết, với gần 80 ngàn m2 tổng diện tích kinh doanh dịch vụ, số tiền mà các công ty quản lý vận hành các tòa nhà TĐC hiện nay thu được chỉ vỏn vẹn 30 tỷ đồng/năm. Số tiền này được cho là không thấm tháp gì so với mức chi phí tối thiểu mà các tòa chung cư TĐC đang cần hiện nay.
|
|
Những khu TĐC xuống cấp rất cần sự hỗ trợ của thành phố. Ảnh: PV |
Thống kê của Sở Xây dựng cũng cho thấy, hàng năm, Cty PTN Hà Nội cần khoảng hơn 50 tỷ đồng để duy trì quản lý, vận hành các tòa TĐC nhưng nguồn thu từ diện tích kinh doanh dịch vụ (khoản thu chính của doanh thu đơn vị này) chỉ dao động trên dưới 25 tỷ đồng/năm.
Tại Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, tình trạng còn khó khăn hơn khi khoản tiền cần chi cho hoạt động bảo trì, vận hành dao động từ 10-15 tỷ đồng nhưng hàng năm doanh nghiệp này chỉ thu được từ 1-2 tỷ đồng từ phần kinh doanh dịch vụ.
Nhìn vào phần diện tích kinh doanh, thương mại để tạo ra nguồn thu và thực tế số tiền eo hẹp thu được từ việc cho thuê diện tích dịch vụ thương mại, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Phòng quản lý Nhà xã hội và Tái định cư, Cty PTN Hà Nội đánh giá: chính sách khi đưa ra thì đơn giản nhưng khi triển khai vào thực tế lại không hề dễ dàng chút nào.
Ông Dũng giải thích về việc Công ty ông được giao tới hơn 50 nghìn m2 diện tích dịch vụ nhưng chỉ thu được 25 tỷ đồng/năm: Ngoài diện tích còn để trống, thì tới 50% diện tích được UBND thành phố quyết định cho các đơn vị hành chính sự nghiệp thuê không thu tiền. Số đơn vị đang mang tiếng thuê có thu tiền nhưng thực tế là có hàng chục tổ chức, cá nhân cố tình nợ, chây ỳ không nộp.
Theo lãnh đạo Phòng quản lý Nhà xã hội và tái định cư, Cty PTN Hà Nội, thành phố cần có quy chế rõ ràng ở vấn đề này. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng cần phải đóng tiền thuê nhà. Đối với các đơn vị chây ỳ nợ, không nộp đề nghị có biện pháp truy thu, truy thu không được thì khởi kiện hoặc đề nghị thành phố thu hồi để tổ chức đấu giá quyền thuê nhằm tạo nguồn thu. “Khơi thông được chỗ này, khoản thu sẽ không còn dừng ở 25 tỷ mà sẽ thêm được ít nhất 30 tỷ đồng nữa mỗi năm.”- ông Dũng nói.
Hoài Thu