Phế phẩm từ nông, lâm nghiệp vốn là nguồn rác thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng nay lại được chế biến thành đủ loại sản phẩm xuất khẩu, thu lợi nhuận cao.

 


Nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) đang làm giàu nhờ tận dụng được những thứ tưởng như chỉ bỏ đi. Theo đó, tiềm năng thị trường về sản phẩm phế phẩm từ nông, lâm nghiệp còn rất lớn, cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa.

Thu ngoại tệ từ rác

Anh Đỗ Nguyễn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nguyên Phát (TP.Biên Hòa) có nhiều năm kinh nghiệm về xuất khẩu các mặt hàng phế phẩm từ nông, lâm nghiệp, chia sẻ: “Thời gian trước, đơn vị kinh doanh ngành phế phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay không chỉ DN trong nước mà DN nước ngoài cũng tham gia vào thị trường này. Ban đầu DN chỉ có vài sản phẩm xuất khẩu, đến nay danh sách đã lên đến trên mười mặt hàng, như: vỏ hạt điều, vỏ lụa, dầu từ vỏ hạt điều, bã vỏ hạt điều, vỏ cà phê, cùi bắp, thân bắp, bột vỏ quả dừa... Thị trường ngày càng phát triển đã đẩy giá nhiều loại phế phẩm lên cao”.

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Anh Quốc (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa), hoạt động trong ngành gỗ chia sẻ, các phế phẩm mùn cưa, dăm bào, dăm gỗ… vốn là rác thải từ sản xuất gỗ. Nhận thấy nhu cầu của thị trường xuất khẩu về mặt hàng này, DN đã mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy ép mùn cưa, máy băm gỗ để ép phế phẩm thành khối xuất ra nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng. Hiệu quả sản xuất của DN tăng lên rõ rệt nhờ nguồn thu ngoại tệ từ phế phẩm.

Ông Hồ Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), nói: “Là nông dân nên tôi biết nhiều loại phế phẩm nông nghiệp đều hữu dụng nhưng đang bị lãng phí. Năm 2008, DN giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới là thức ăn gia súc chế biến từ phế phẩm nông nghiệp, như: cây bắp, bã mía, bã mì, vỏ đậu… Hiện trung bình mỗi tháng, DN xuất khẩu khoảng 5 ngàn tấn thức ăn gia súc sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tìm hướng đi lâu dài

“Tìm hiểu cho thấy, nhiều bạn hàng từ Liên minh Châu Âu (EU) cũng rất quan tâm đến mặt hàng thức ăn gia súc từ phế phẩm nông nghiệp. DN đang đầu tư thêm 2 dây chuyền chế biến và hướng đến mở rộng xuất khẩu nhiều loại phế phẩm nông nghiệp khác. Nhằm phát triển ngành sản xuất này theo hướng bền vững, DN cũng chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu qua việc ký kết thu mua để nông dân đầu tư chuyên canh về cây bắp” - ông Hồ Sáu cho biết thêm.

Theo anh Đỗ Nguyễn Kiên, có giai đoạn thị trường ngành sản xuất - kinh doanh phế phẩm khá “loạn” vì nhiều người tham gia theo kiểu ăn xổi ở thì. Nhưng hiện nay, các DN đã đầu tư bài bản theo hướng phát triển bền vững”. Đơn cử như ngành sản xuất dầu từ vỏ hạt điều, thời gian trước, các cơ sở, DN chủ yếu làm theo kiểu thủ công, ép dầu thô bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, nhiều DN đầu tư công nghệ hiện đại để tinh chế từ dầu thô ra nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao hơn, như: dầu cardanol, bột ma sát. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng sang EU, Nhật Bản… Giới sản xuất, kinh doanh trong ngành này cũng rất tin tưởng tiềm năng thị trường xuất khẩu và nội địa của các sản phẩm từ dầu vỏ hạt điều khi Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới trong hội nhập khu vực và thế giới.

 

Theo Báo Đồng Nai

.