Khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào trồng mãng cầu gai ngày càng phát triển mạnh ở huyện cù lao Tân Phú Đông. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, giống cây ăn trái này đã đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định, được xem là “cứu cánh” cho nông dân trên vùng đất này.


Theo ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thạnh: Tân Thạnh là một trong những xã có diện tích trồng mãng cầu khá lớn của huyện. Đây có thể xem là giống cây xóa đói giảm nghèo của xã. Bằng chứng là, thời gian qua, với lợi nhuận mỗi ha khoảng 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm, toàn xã có trên 20 hộ thoát nghèo nhờ trồng loại cây này. Hiện tại, hầu hết người dân trong xã đã chuyển đổi từ lúa sang mãng cầu. Nhiều người cũng chuyển đổi từ cây dừa sang mãng cầu.

Cây mãng cầu gai phát triển trên vùng đất Tân Phú Đông cách nay khoảng 10 năm và nhanh chóng trở thành “cứu cánh” cho người dân vùng đất cù lao này. Được ghép trên gốc bình bát (một loại cây sống dai, chịu được nước mặn) nên cây mãng cầu ghép phát triển rất tốt.

Ông Hồ Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: Trước đây, đa số nông dân trong huyện canh tác lúa nhưng năng suất rất thấp do không chịu được phèn mặn nên bà con chuyển sang trồng dừa, trồng mãng cầu gai…

Hiện toàn huyện trồng khoảng 530ha mãng cầu gai, được trồng  tập trung ở các xã: Tân Phú, Tân Thạnh và Tân Thới. Giá mãng cầu dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Với 1 ha đất trồng mãng cầu gai cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, lợi nhuận gần như bỏ xa các giống cây trồng khác.

Nhận thấy tiềm năng của loại cây này, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, các nơi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống và phân, thuốc BVTV; đồng thời đề nghị Tỉnh hội hỗ trợ 500 triệu đồng giúp những nông dân muốn chuyển sang trồng loại cây này nhưng thiếu vốn.
 

Theo Ấp Bắc

.