Trong lúc nhiều loại nông sản chủ lực tại Đồng bằng sông Cửu long, thậm chí lúa gạo là mặt hàng chiến lược cứ lâm vào điệp khúc “được mùa, rớt giá” khiến thu nhập của nông hộ sụt giảm, thì nhiều năm nay không ít nhà vườn  ở vùng ngập lũ của Tiền Giang “ăn nên làm ra”, thoát nghèo và làm giàu bền vững từ cây bưởi da xanh. So với một số cây ăn trái khác, cây trồng này có những ưu điểm vượt trội: Dễ trồng, năng suất cao, thu hoạch rải vụ quanh năm, tiêu thụ dễ dàng.


Ngày nay, Long Khánh đã trở thành một trong những xã chuyên canh bưởi da xanh lớn với tổng diện tích hàng trăm ha. Nhờ cây bưởi da xanh nên diện mạo nông thôn miền quê nghèo khó ngày nào đã thay đổi hẳn. Đường sá giao thông được kiện toàn. Nhà cửa khang trang. Nông hộ có của ăn, của để.

Nhiều bà con nghèo khó một thời đã  dựng nên cơ nghiệp từ cây bưởi da xanh, thu nhập hàng năm vài trăm triệu đồng như các ông: Võ Phát Đạt, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Hiếu Nghĩa... Ngoài Long Khánh, các xã đầu nguồn lũ của tỉnh cũng chuyển dịch mạnh mẽ từ vườn tạp sang chuyên canh bưởi da xanh như các xã: An Thái Đông, An Thái Trung, Mỹ Lợi A, Mỹ Lợi B... của huyện Cái Bè.

Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi sản xuất hiệu quả, trình độ ứng dụng kỹ thuật trong thâm canh của nhà vườn vùng bưởi da xanh Tiền Giang đã được nâng lên rất nhiều. Làm chủ kỹ thuật thâm canh là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của người trồng bưởi bên cạnh yếu tố về giá.

Ông Thái Văn Đua, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh Phú Hòa (xã Long Khánh) cho biết, bưởi da xanh là cây trồng cần nhiều nước tưới. Nếu thiếu nước tưới sẽ làm cây suy kiệt, vàng lá. Rút kinh nghiệm, khi thiết kế vườn nên chú ý mỗi liếp đất đắp mô trồng hai hàng hai bên cặp theo mương vườn, thay vì trồng một hàng ở giữa liếp như trước đây.

Mật độ nên trồng hơi dày, cây cách cây từ 1,5 - 2 m là vừa thay cho cách trồng thưa vừa lãng phí quỹ đất nhưng cây phát triển chậm hơn. Tỉa cành, tạo tán là yếu tố hết sức cần thiết. Khi cây trưởng thành, kết trái chú ý để mật độ trái trên cây vừa phải, loại bỏ các trái trên đọt hoặc ở xa đầu cành...Việc phòng trừ sâu rầy khi cây cho trái và bao trái để chống sâu bệnh tấn công cũng là cách làm mới, khoa học mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Thoại, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của xã có đến 2 ha đất trồng bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cho biết, hiện nay với kỹ thuật trồng và chăm sóc khoa học, bưởi da xanh chỉ sau 2 năm cho trái “bói” và 3 năm bắt đầu cho thu hoạch, rút ngắn hơn rất nhiều so với cách trồng truyền thống.

Để tiện chăm sóc, rất nhiều hộ mạnh dạn đầu tư thiết kế hệ thống tưới phun tự động, chẳng những giúp giảm bớt công lao động mà còn tăng tuổi thọ vườn cây, đảm bảo được năng suất và sản lượng cao.

Tiền Giang  hiện có 5.500 ha bưởi với các loại bưởi đặc sản đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò...Với việc ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, nhà vườn đạt năng suất bình quân từ 12 - 14 tấn/ ha và sản lượng bưởi hàng năm của tỉnh đạt 70.000 tấn trái.

Tỉnh cũng xác định bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò là 2 giống cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần phát huy để giúp nhà vườn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các huyện có diện tích bưởi lớn gồm: Châu Thành (1.700 ha), Cái Bè (1.600 ha), Cai Lậy (1.000 ha).

Việc phát huy tiềm năng cây bưởi da xanh trên những vùng đất “khó” đang thiết thực tháo gỡ ách tắc trong sản xuất, vừa mở hướng làm giàu cho nhà vườn vừa thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới giàu đẹp như chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra.
 

Theo Mộng Tuyết
Báo Ấp Bắc

.