Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều fanpage (trang được lập ra từ facebook) giả mạo đài truyền hình, một số hãng ô tô, siêu thị điện máy, điện thoại di động… đăng tin khuyến mãi, tặng quà, bán hàng giá rẻ bất ngờ khiến hàng nghìn người lao vào like và chia sẻ mà không biết rằng chính bản thân mình đang tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Cách đây không lâu, Trung tâm tin tức VTV24 cũng đã lên tiếng về tình trạng xuất hiện nhiều fanpage giả mạo đăng tải những nội dung không chính xác, có dấu hiệu lừa đảo.

 

 

Điện thoại iPhone 6 Plus giá…199.000 đồng

 

Gần đây nhất, cư dân mạng xã hội xôn xao trước thông tin một siêu thị điện máy xả hàng tồn kho trong tháng 7, bán hàng với giá rẻ như cho, chỉ từ vài chục nghìn đồng. Theo fanpage của siêu thị này, nhiều mặt hàng có giá thấp tới mức không tưởng: Bàn là giá 30.000 đồng, nồi cơm điện 45.000 đồng, bếp từ 80.000 đồng, quạt làm lạnh phòng 145.000 đồng, điện thoại Nokia Lumia 630 giá 230.000 đồng… Đặc biệt, điện thoại iPhone 6 plus 64GB còn được quảng cáo siêu hạ giá, từ 20,5 triệu đồng giảm xuống chỉ còn 199.000 đồng!

 

Để khách hàng tin cậy, fanpage này còn sử dụng hình ảnh biển hiệu và nhân viên, logo thương hiệu của siêu thị điện máy “xịn”. Điều kiện để được mua những sản phẩm nói trên khá đơn giản, khách hàng không cần trả tiền trước, chỉ cần like và chia sẻ fanpage về trang cá nhân nên chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng trăm nghìn lượt người dùng mạng xã hội like và chia sẻ fanpage này. Chỉ đến khi đơn vị phụ trách fanpage bán hàng điện máy “xịn” lên tiếng, hàng nghìn người mới ngã ngửa khi biết mình đã bị lừa.

 

Liên quan đến thủ đoạn trên, kỹ sư Phan Hà Anh - Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng, các fanpage giả mạo thường núp dưới tên của các thương hiệu lớn về điện máy, điện lạnh, hãng ô tô, xe máy… tại Việt Nam, sử dụng hình ảnh của các thương hiệu này. Đánh vào tâm lý ham rẻ, thích nhận quà khuyến mãi của người dân, fanpage thường đăng tải thông tin “giảm giá sốc”, tặng quà cho số ít khách hàng đầu tiên hay tổ chức các mini game… Để được nhận quà hay mua hàng giảm giá, khách hàng chỉ phải “like”, “share” và “tag” tên nhiều người khác. Sau khi đạt được lượng like, theo dõi… nhất định, fanpage giả mạo sẽ được bán lại cho những người khác với nhiều mục đích khác nhau.

 

“Về dấu hiệu nhận biết, thông thường, fanpage chính thức thường đăng tải nhiều thông tin, cập nhật liên tục và có những thông tin, hình ảnh đã tồn tại trong thời gian dài, còn fanpage giả mạo chủ yếu đăng tải hình ảnh mới. Khi like hay chia sẻ thông tin từ các fanpage giả mạo, người dùng có nguy cơ bị lợi dụng, thậm chí bị lộ, mất thông tin cá nhân” – kỹ sư Phan Hà Anh cảnh báo.

 

Giả mạo trên mạng ảo cũng là phạm pháp

 

Có thể nói, việc mạo danh tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp pháp luật. Căn cứ vào mức độ, tính chất hành vi và hậu quả xảy ra, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính, phải bồi thường cho người bị thiệt hại, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

 

Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Do vậy, hành vi giả mạo trên facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng theo Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

 

Trong trường hợp người dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS với hình phạt tối đa đến 3 năm tù hoặc tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với hình phạt tối đa đến 7 năm tù - luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

 

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, cá nhân, tổ chức khi phát hiện hành vi giả mạo cần sử dụng các công cụ của mạng Facebook, gửi thông tin tới nhà cung cấp yêu cầu khóa các tài khoản giả mạo, đồng thời thông báo công khai trên mạng xã hội. Khi bị mạo danh, tổ chức, cá nhân có thể cần nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng đề nghị xử lý vi phạm, thậm chí khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất. Để tránh bị lừa đảo, cá nhân sử dụng mạng xã hội khi nhận được những tin về khuyến mãi, giảm giá “sốc” cần kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin, không nên like, share tùy tiện.


Theo Huệ Linh (An ninh thủ đô)

.