Năm 2006, khi Cụm công nghiệp Thanh Vinh được xây dựng, chính quyền Đà Nẵng đã kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc được chuyển về Cụm công nghiệp Thanh Vinh theo lời kêu gọi của UBND TP. Đà Nẵng, nhằm thực hiện chính sách di dời các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi địa bàn trung tâm thành phố về tập trung tại quận Liên Chiểu theo hướng phát triển nơi này trở thành quận công nghiệp của thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ khí – luyện kim.
|
|
Nhà máy thép Dana Úc. Ảnh: VOV |
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hai nhà máy này đã phát sinh một số vấn đề về ô nhiễm môi trường khiến người dân phản đối. Đỉnh điểm của việc này là đầu năm 2018, người dân sống xung quanh liên tục bao vây nhà máy để phản đối việc nhà máy gây ô nhiễm. Phía chính quyền TP.Đà Nẵng cũng như phía nhà máy đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm do hai nhà máy này gây ra nhưng tình hình vẫn không được giải quyết một cách triệt để. Trong các cuộc đối thoại với người dân đầu năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng đưa ra giải pháp hoặc là di dời nhà máy đi nơi khác, hoặc là di dời những hộ dân sống trong khu vực bị ô nhiễm đến nơi tái định cư mới. Giải pháp đưa ra là vậy, nhưng chính quyền TP.Đà Nẵng cũng phải thừa nhận rằng, cả hai giải pháp này chưa phải là giải pháp tối ưu nhất.
|
|
Nhà máy thép Dana Ý. Ảnh: PV |
Trước đó, tháng 12/2016, Chủ tịch UBNDTP.Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các sở ban ngành liên quan thực hiện phương án lập dự toán kinh phí đền bù, giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực sát nhà máy để nhà máy tiếp tục hoạt động trong thời gian khấu hao tài sản. Nhưng đến ngày 22/2/2017, UBND TP.Đà Nẵng lại ra thông báo triển khai ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời.
Đến ngày 02/03/2018, UBND thành phố lại gửi công văn thông báo chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất không để hai nhà thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên. Đồng thời, thống nhất thu hồi, hủy bỏ những chủ trương trước đây thành phố ban hành. Yêu cầu hai nhà máy dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kể từ ngày 02/03/2018.
Trả lời về phương án di dời dân hay di dời nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, ông Lê Quang Nam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, việc dừng hoạt động của các nhà máy này là theo kết luận của UBND TP.Đà Nẵng. Hiện nay đang có hai tổ công tác được thành lập, một tổ nhằm giám sát và đánh giá toàn bộ hoạt động của nhà máy còn một tổ khác có nhiệm vụ giám sát về công tác môi trường của hai nhà máy này.
Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ TN&MT về việc mời đơn vị quan trắc độc lập về quan trắc hoạt động của 2 nhà máy. Việc quan trắc này sẽ có hai đơn vị, một đơn vị thực hiện việc quan trắc, đồng thời, một đơn vị đánh giá độc lập lại kết quả quan trắc của đơn vị quan trắc thứ nhất. Việc quan trắc sẽ tiến hành trong 2 đợt, đợt 1 từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 7/2018, đợt 2 tiến hành từ ngày 10 đến ngày 25/8/2018. Các chỉ tiêu quan trắc được thực hiện quan trắc trên môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và nước ngầm.
“Quan điểm của TP.Đà Nẵng là giải quyết phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam. Đối với những hoạt động của nhà máy nếu như gây ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép ở công đoạn nào, bộ phận nào, công xưởng nào thì phải dừng hoạt động để khắc phục, nếu không thể khắc phục được thì phải di dời”, ông Nam nói.
Cũng theo đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng, các quyết định liên quan đến “số phận” của hai nhà máy Dana Ý và Dana Úc sẽ phải chờ các kết luận của UBND TP.Đà Nẵng.
Xuân Nha