Dù giá sữa thế giới đã giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng giá sữa thành phẩm trong nước “không chịu giảm” theo, trong khi, các doanh nghiệp lại giảm đáng kể giá mua sữa tươi cho nông dân.
Theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng, đại lý bán sữa tại Hà Nội, hãng sữa vẫn neo giá, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt. Tại đại lý sữa ở Tòa nhà CT 2B (Khu Đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội), nhân viên và nhiều khách hàng cho biết: Các hãng sữa bột trong nước vẫn giữ giá từ hồi tháng 6/2014 đến nay. Theo nhân viên cửa hàng, giá sữa chỉ giảm trong chương trình khuyến mãi của nhà phân phối, hết chương trình đâu lại vào đấy. Chẳng hạn, sữa Friso Gold 1 loại 900 gam dành cho trẻ từ 0- 6 tháng tuổi vẫn ở mức 446 nghìn đồng/hộp như trước.
Dù biết giá sữa bột ở châu Âu giảm mạnh, nhưng chị Lê Yến (nhà CT 1B, Khu đô thị Xa La - Hà Đông) ngán ngẩm khi giá sữa trong nước chỉ giảm nhỏ giọt. “Cũng có giảm gọi là, nhưng nhìn chung vẫn đắt đỏ.
Một lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, khi nguyên liệu đầu vào (yếu tố hình thành giá) thay đổi, bắt buộc giá bán phải đổi theo. Theo vị này, do Nga cấm vận EU, lượng sữa từ EU không xuất sang Nga khiến giá sữa giảm mạnh. Trong khi đó, hiện 60% sữa thị trường trong nước là từ sữa bột nhập khẩu. Rõ ràng, các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột Việt Nam “ngư ông đắc lợi”, vì mua được nguyên liệu giá rẻ, còn người tiêu dùng chờ mãi mà giá sữa trong nước “không chịu giảm”.
“Chúng tôi kêu gọi giá bán lẻ phải giảm tương ứng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Giá sữa mua cho nông dân cũng giảm
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá sữa thế giới hơn một năm qua giảm trên 50%. Thế nhưng, các doanh nghiệp sữa trong nước vin vào giá quảng cáo, nhân công, điện; phương thức làm sữa cho trẻ em khó, đòi hỏi công nghệ cao, tốn kém…nên không giảm giá bán, thậm chí giá sữa còn nhích lên.
Không chỉ về giá, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, vấn đề nhập nhèm giữa sữa tươi, sữa bột hoàn nguyên… cũng khiến người tiêu dùng thêm rối. Theo ông Chinh, ở Việt Nam, doanh nghiệp cứ dùng thuật ngữ “thanh trùng”, “tiệt trùng” để đặt tên sản phẩm sữa, nhưng đây thực chất chỉ là biện pháp để bảo quản về mặt an toàn thực phẩm, chưa phản ánh đúng nguồn gốc là sữa tươi, hay hoàn nguyên. Vừa rồi, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, sau khi họp bàn với các bộ, doanh nghiệp, đã thống nhất yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi quy chuẩn về sữa lỏng, không để nhập nhằng 7 loại sữa, trong khi không nói rõ bao nhiêu % sữa tươi trong đó.
Ông Chinh cho rằng, chất lượng sữa phải tương ứng với đồng tiền người tiêu dùng bỏ ra, trong khi đây là vấn đề ở Việt Nam chưa quản lý chặt chẽ. “Doanh nghiệp phải minh bạch, công bố doanh nghiệp bỏ vào đấy bao nhiều% sữa hoàn nguyên, bao nhiêu % sữa tươi… Cơ quan quản lý phải kiểm tra xem thông tin doanh nghiệp công bố có đúng không, không đúng là gian lận thương mại và phải xử lý theo quy định”- ông Chinh nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cũng vì giá sữa thế giới giảm mạnh, các doanh nghiệp sữa trong nước đã giảm giá thu mua sữa tươi của nông dân.
Sữa bột giảm sâu nhất trong thập kỷ qua
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại sữa toàn cầu (Global Dary trade), trong 10 năm qua, giá sữa bột trung bình thời điểm hiện tại đang ở mức thấp kỷ lục. Cụ thể, vào ngày 15/8 vừa qua, giá sữa bột được giao dịch bình quân ở mức 514 điểm. Trong khi, thời điểm giá sữa bột cao nhất trong 10 năm thuộc về thời điểm tháng 10/2007 (1.691 điểm).
Chu kỳ giảm giá hiện nay bắt đầu từ tháng 4/2013 (ở mức 1.573 điểm), thời điểm lao dốc mạnh nhất của giá sữa bột thế giới cho đến thời điểm hiện nay bắt đầu từ tháng 2/2014 (ở mức 1.436 điểm). Từ thời điểm đó, giá giảm xuống còn hơn 500 điểm vào 15/8 vừa qua. Hiện nay, giá sữa bột tăng trở lại nhưng chỉ ở mức 761 điểm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong 10 năm qua.
Vinanet cũng dẫn thống kê từ Global Dairy Trade cho thấy, giá sữa bột thế giới chạm đáy thấp nhất trong 13 năm qua.
Theo tienphong.vn