Mới đây, khi tiếp xúc với PV báo PL&XH, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng như các Cty, DN khai thác dịch vụ trông giữ xe đều cho rằng, tăng giá vé sẽ hạn chế được tình trạng loạn giá vé như hiện nay.


Có 3 Cty cam kết không vi phạm về giá trông giữ xe?

Báo PL&XH đã có loạt bài phản ánh tình trạng các điểm trông giữ xe tại Hà Nội ngang nhiên thu quá giá quy định của UBND TP, gây bức xúc trong dư luận trong thời gian dài. Mới đây, khi tiếp xúc với PV báo PL&XH, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng như các Cty, DN khai thác dịch vụ trông giữ xe đều cho rằng, tăng giá vé sẽ hạn chế được tình trạng loạn giá vé như hiện nay.

trongxe
Tăng giá vé sẽ hạn chế được tình trạng loạn giá vé như hiện nay?


DN tha thiết xin tăng giá vé

 

Ông Vũ Văn Đức, Giám đốc Cty CP 901 - đơn vị đang nắm giữ 58 điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng cho rằng, hiện mức phí trông giữ xe theo QĐ 25 của UBND TP đã không còn phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng một số nhân viên của Cty lén lút "xé rào" thu giá vé quá quy định.

 

Theo ông Đức, ở QĐ 25 giá vé trông một chiếc xe máy ban ngày chỉ là 2.000 đồng/lượt, trong khi giá cả các dịch vụ, sinh hoạt hiện đều tăng. Hơn nữa, nhân viên ở Cty hầu hết là người lao động ngoại tỉnh, phải chịu rất nhiều các chi phí cho cuộc sống ở Thủ đô. Nhưng với đồng lương chỉ 1,8 đến 2 triệu đồng/tháng, khó đảm bảo cuộc sống nên "dù Cty không cho phép, cũng không "bật đèn xanh", nhưng vì cuộc sống, một số nhân viên vẫn lén lút phạm luật. Tất nhiên khi phát hiện, chúng tôi sẽ đuổi việc ngay, nhưng Cty gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển lại lao động" - ông Đức nêu thực tế. Ông Đức cho rằng, nếu tăng mức 3.000đ/lượt xe máy, 15.000đ/lượt đối với ôtô (ban ngày), rất nhiều khó khăn của Cty sẽ được giải quyết. Tình trạng "xé rào" của người lao động cũng sẽ không còn, và tăng thu ngân sách mỗi năm" - ông Đức kiến nghị.

 

Cùng quan điểm trên, bà Tạ Kim Loan, Trưởng phòng Tổ chức Tài chính, Cty TNHH Dịch vụ Hạnh Ly - nơi đang khai thác quản lý 38 điểm trông giữ xe trên hai phường Tràng Tiền và Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm cho hay, hiện Cty có 105 nhân viên trông giữ xe, thu nhập bình quân là 2.500.000 đ/tháng. Từ khi lương tăng, Cty cũng phải cân nhắc tăng rất nhiều các chi phí để giữ chân người lao động.

 

Theo quy định Cty phải nộp 45.000đ/m², song có những điểm không khai thác được, hoặc khai thác rất ít nên Cty phải đau đầu khi hạch toán lỗ, lãi. Như Cty đang thực hiện hình thức khoán quản, mỗi năm phải nộp về cho ngân sách 10%, trong tổng doanh thu khoảng gần 500 triệu/năm, trong khi đó hàng loạt các chi phí khác Cty phải chi trả.

 

Theo bà Loan, nếu tăng mức giá xe máy 3.000đ/lượt (ban ngày), ôtô dưới 16 chỗ 15.000đ/lượt (ban ngày), sẽ "gỡ" được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và tăng thu cho ngân sách, hạn chế được việc tăng giá tự phát, Cty có nguồn lao động ổn định để hoạt động.

 

Trao đổi với PL&XH, đại diện các Cty, doanh nghiệp đang thực hiện việc trông giữ xe đều có chung kiến nghị, tha thiết xin được tăng giá vé, với đề xuất tăng thêm 1.000đ/lượt đối với trông giữ xe máy, và tăng từ 5 đến 7.000đ/lượt đối với việc trông giữ ôtô.

 

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, đề xuất xin tăng phí trông giữ xe cũng đã được đơn vị này kiến nghị lên UBND TP, báo cáo Bộ Tài chính xin được điều chỉnh mức thu phí trông giữ xe hiện nay vì "mức phí này quá thấp không còn phù hợp với tình hình giá cả hiện nay". Và mới đây, Bộ Tài chính gửi văn bản trả lời về Sở Tài chính Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho biết "Việc tăng giá vé thuộc thẩm quyền của HĐND hai TP kể trên". Tuy nhiên, theo đại diện Ban giá, Sở Tài chính Hà Nội, "việc này cần Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, vì giá cả thuộc sự quản lý của Bộ".

 

Sao chỉ có 3 Cty cam kết?

 

Theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội, hiện có 3 doanh nghiệp khai thác, quản lý điểm trông giữ xe viết cam kết không vi phạm với lực lượng liên ngành. Trong ngày 27-5-2011, Đoàn kiểm tra liên ngành TP, gồm đại diện Sở Tài chính, Cục thuế, Công an TP đã tiến hành lập "biên bản cam kết không vi phạm" của 3 Cty, gồm: Cty TNHH DV Hạnh Ly, Cty Hà Nội Bốn Mùa và Cty CP 901.

 

Theo nội dung các biên bản này, lỗi vi phạm của các Cty, gồm: Thu phí trông giữ xe cao hơn quy định và chưa có bảng niêm yết giá. Dùng vé tự in, không lấy vé mẫu của Cục thuế. Để việc quản lý Nhà nước về phí trông giữ xe đi vào nề nếp theo đúng quy định, Đoàn liên ngành đề nghị các Cty: "Thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về trông giữ xe.

 

Sau cam kết này, nếu đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ: Truy thu số tiền chênh lệch do thu phí cao hơn quy định (tính số xe tại thời điểm kiểm tra nhân (X) với tổng số tiền chênh lệch giữa mức thu phí thực tế so với quy định nhân (X) với số ngày kể từ sau cuộc hợp đến ngày kiểm tra và ra Quyết định xử phạt theo quy định hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền" - nội dung các biên bản cho biết.

 

Quận Hoàn Kiếm là địa bàn trung tâm, hiện có 5 đơn vị tham gia việc trông giữ xe, gồm: Cty CP Đồng Xuân, Cty TNHH Hạnh Ly, Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Cty CP 901 và Cty CPXD Dân dụng Bắc Việt. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 đơn vị (như đã nêu ở trên) làm cam kết với Đoàn kiểm tra liên ngành. Vậy phải chăng những đơn vị còn lại "không có vi phạm". Báo PL&XH sẽ công bố thông tin về những vi phạm của các Cty chưa thực hiện cam kết trong số báo tiếp theo.

 


Quang Minh (PL&XH)