"Những giống thủy sản ngoại lai được nhập lậu theo đường tiểu ngạch, không có giấy tờ kiểm định, chứng thực nguồn gốc thường sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước, vi sinh vật trong nguồn nước nên cần phải được xử lý", ông Bùi Đức Quý - vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (thuộc Tổng Cục thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định.
Mới đây, lực lượng chức năng Hà Nội tiến hành kiểm tra xe ô tô tải đang dừng đỗ tại đường 5 (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) do lái xe Nguyễn Văn Đãng (33 tuổi, ở xã Liêm An, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) điều khiển.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 133 con cá quả (149 kg) và 360 con ếch (72 kg) có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ hàng là Nguyễn Xuân Tư (32 tuổi, ở TP Hải Phòng).
Bên cạnh đó, tại các chợ lớn ở Hà Nội như Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Long Biên,...các lực lượng chức năng phát hiện ra rất nhiều chủ cửa hàng bán các loại cá quả mình đen, đầu to, hay cá tầm mõm dài, cá trê lai được thương lái nhận định là cá Trung Quốc nhập lậu xuất hiện trên những quầy hàng.
Anh Nguyễn Đức Khoa (35 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội), một thương lái trong chợ Long Biên, cho hay: “Thấy cá tươi và ngon, với lại giá nhập vào chưa bằng phân nửa so với cá tầm ở Bắc Cạn, Lào Cai… buôn có lãi nên mình mới nhập, chứ có biết đâu là cá Trung Quốc”.
Theo một thương lái chuyên buôn cá nhập lậu từ Trung Quốc cho biết: "Khi vận chuyển cá được ướp lạnh, người cứng đơ như chết nhưng khi về tới chợ bỏ vào nước một lúc thì cá lại sống và bơi như bình thường. Các loại cá nhập lậu này bán giá cao gấp 3-4 lần so với giá cất. Cá trê Trung Quốc nuôi 3 tháng trọng lượng có thể đạt 1,5kg; nuôi 1 năm trọng lượng khoảng 6-7kg. Cá trê giống ngoại được đánh giá ác hơn trê ta, mồi của chúng là các loại thủy sản nhỏ sống chung hồ".
“Giống cá trê này có được xếp vào loài sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ hay không, có tác động xấu đến ngành nông nghiệp, thủy sản trong nước hay không rất cần được các ngành chức năng nghiên cứu, kết luận, đưa ra giải pháp ngăn chặn” - một chiến sĩ trong Đội phòng chống tội phạm trong lĩnh vực Y tế - VSATTP (Công an Hà Nội) nói.
Chưa thể xác định được mức độ phá hoại
Theo ông Bùi Đức Quý - vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản (thuộc tổng cục thủy sản - bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn), Việt Nam chưa cấp phép cho nhập khẩu giống cá trê nào từ Trung Quốc vào Việt Nam. Những giống nhập từ nước ngoài vào cần phải có giấy tờ kiểm tra kỹ càng xem đó là giống gì, khi nuôi trồng ở Việt Nam có gây ảnh hưởng hay không?
"Do chưa nhận được mẫu cá trê lai mà một số thương lái nhập khẩu từ Trung Quốc vào nên chưa thể khẳng định được việc nuôi loại cá này có ảnh hưởng tới môi trường và các loài vi sinh vật khác hay không...
Tuy nhiên, những giống thủy sản ngoại lai được nhập lậu theo đường tiểu ngạch, không có giấy tờ kiểm định, chứng thực nguồn gốc thường sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước, vi sinh vật trong nguồn nước nên cần phải được xử lý", ông Quý nói.
Trong khi đó, ThS Kim Văn Van, trưởng bộ môn nuôi trồng thủy sản (thuộc Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản - ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho biết: "Các loại cá trê nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể không ảnh hưởng tới môi trường. Không có loại cá trê nào lớn đến 6kg/ năm mà có thể đấy là loại cá nheo...".
Theo ThS Van, việc nuôi cá trê lai được người dân phổ biến trong thời gian gần đây là một việc làm tốt. Bản tính của các trê là háu ăn, việc cá trê "ta" khi lọt vào sông suối, ao hồ thì đều có thể ăn hết các sinh vật ở trong môi trường đó chứ không riêng gì cá trê lai.
Theo Đất Việt