Bữa ăn của người Việt ngày càng hấp dẫn, ngon mắt… nhưng ăn là rước bệnh vào thân. Những cái chết được báo trước mà không ai tránh được.

 


Liên tiếp thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt… đã khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng. Vậy trước khi bị phát hiện đã có bao nhiêu tấn chất độc như vậy được những người nông dân sử dụng trong nông nghiệp rồi đem bán cho người tiêu dùng trong nước? Và chúng ta, mỗi người đã phải nuốt vào bụng bao nhiêu lạng, bao nhiêu cân chất cấm này?

Nước ta là nước nông nghiệp. Lẽ ra người dân phải cảm thấy hạnh phúc vì mình có được nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đằng này càng nhiều lại càng lo. Bởi lẽ, nếu như các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, chăm sóc đến tận bàn ăn thì những thực phẩm phục vụ thị trường trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Thực tế thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu đã bị trả về. Những congtainer hàng hóa nông sản này sẽ đi đâu, về đâu và được xử lý như thế nào? Một vị quan chức của ngành nông nghiệp đã rất “vô tư” trả lời “Luộc lên là ăn được hết”… Hỡi ôi, một đất nước nông nghiệp có thứ hạng trên thế giới mà con dân của họ lại phải ăn những sản phẩm mà người khác không thể xài, phải “mò mẫm” tự bảo vệ mình. Ra chợ, vào siêu thị hay vào bất cứ cửa hàng thực phẩm sạch nào người dân cũng chẳng thể yên tâm. Bởi nhiều người kinh doanh bây giờ không còn trọng chứ “tín”. Người nông dân thì chỉ cần trồng được những loại rau củ quả mầu mỡ, những con lợn siêu trọng, thịt nạc nhìn thích mắt… chứ họ đâu quan tâm đến sức khỏe của đồng loại.

Người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường nông sản trong nước. Những nghi ngờ của người tiêu dùng là có căn cứ, bởi qua kiểm tra ngay tại Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng trà trộn rau bẩn vào rau sạch để bán. Mớ rau đã vậy thì những thứ đắt hơn như thịt, cá… càng có thể xảy ra chuyện trà trộn này. Điều này có nghĩa dân mất tiền mua “mác” rau sạch, thịt sạch giá cao lại còn rước thuốc độc vào người.

Tại các thành phố lớn thị trường nông sản bẩn – sạch, thật – giả… lẫn lộn. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2015, các cơ quan chức năng đã lấy 437 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận để giám sát chất lượng ATTP. Hà Nội lấy 192 mẫu, các tỉnh, thành phố khác lấy 245 mẫu. Kết quả phân tích 356/437 mẫu, đã phát hiện 2/39 mẫu chè (5,12%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép; 2/95 mẫu cá (2,1%) có dư lượng chất cấm; 2/42 mẫu (4,76%) rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giới hạn cho phép trong khi năm 2014 chỉ tiêu này chỉ là 2,72%. 17/101 mẫu thịt (16,83%) phát hiện Salmonella. Đáng chú ý có 5/55 mẫu thịt lợn (9,1%) phát hiện dư lượng chất cấm tạo nạc Salbutamol.

Do đâu mà an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khiến người dân lo ngại? Lâu nay người ta vẫn bảo tại công tác quản lý chồng chéo, việc phối hợp liên ngành không hiệu quả. Thế nhưng, trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm được các bộ ngành địa phương, đoàn thể phối hợp và có rất nhiều cố gắng, nhiều tiến bộ nhưng vẫn có nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu mà nhân dân kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn không phải do sự phân công, phân nhiệm chồng chéo”.

Và cũng theo vị Phó Thủ tướng vận động người dân, các cơ quan đoàn thể tham gia công tác ATVSTP không chỉ liên quan tới việc thực hiện pháp luật mà còn liên quan tới đạo đức của con người.

Đạo đức con người mà Phó Thủ tướng đề cập chính là cái tâm của người nuôi trồng. Cùng với đó là sự thông thái của người tiêu dùng. Nếu người nông dân mà không có tâm, sử dụng chất cấm tràn lan, thì người tiêu dùng có siêu thông thái vẫn “dính đòn”. Mười lần đi chợ giữa bạt ngàn thực phẩm bẩn chả nhẽ không mua lẫn lần nào?

Còn người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát thì cho rằng, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này hiện còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe: “Điều 244 Bộ luật Hình sự nói rằng, nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới xử lý được. Tức là phải lăn ra chết mới xử lý. Ăn thực phẩm ít khi nào bị thế nên điều đó không thể xử lý được”.

Tuổi thọ người người Việt Nam ngày càng được cải thiện và tăng lên. Thế nhưng, sức khỏe của người dân lại là vấn đề đáng lo ngại. Nhiều người dành phần lớn thời gian sau tuổi nghỉ hưu trong bệnh viện. Gánh nặng bệnh tật, y tế đè nặng lên nhiều gia đình. Những gì tích lũy được thời trẻ khỏe giờ đây chủ yếu sử dụng cho chữa trị bệnh tật, nan y./.
 

Theo VOV

.