Bỏ quy định áp trần giá sữa ở Việt Nam là hợp quy luật thị trường, nhưng để thực sự bảo vệ được lợi ích người tiêu dùng, cần giám sát giá chặt chẽ.

 


Vấn đề nằm mức giá

Việc áp đặt giá trần với sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi có hiệu lực từ 01/6/2014 theo Quyết định 1079/2014 do Bộ Tài chính ban hành. Sau đó, phía doanh nghiệp kinh doanh sữa và giới chuyên gia cũng đã nhiều lần kiến nghị việc bỏ áp trần giá sữa. Nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được thực hiện.

Lý giải cho kiến nghị bỏ trần giá sữa, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc áp giá trần sữa trẻ em khiến nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa tăng khiến các nhà sản xuất và phân phối sữa khó khăn. Điều này thể hiện qua thị trường sụt giảm cả về số lượng bán ra và doanh thu. Có doanh nghiệp đã phải đóng cửa và rút khỏi thị trường Việt Nam.

Theo Sách Trắng 2017 của EuroCham, việc áp giá trần là đi ngược với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thương mại của Việt Nam.

Còn bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng quy định áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức giá bán buôn của nhiều sản phẩm sữa bị khống chế giá trần thấp hơn 10%-15% so với giá bán buôn hiện hành; giá bán lẻ được quy định không được cao hơn quá 15% so với giá bán buôn. Với quy định này, cơ quan quản lý cho rằng nó tránh tình trạng các doanh nghiệp “thổi giá”, góp phần bình ổn giá, gây khó cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên phía EuroCham, ông Arnaud Renard, Chủ tịch NFG, lại cho rằng cần xác định rõ ràng mục đích và đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ công tác bình ổn giá. Khi xác định đúng mặt hàng cần bình ổn giá thì cũng phải tuân thủ quy định trong Luật Giá. Riêng đối với thị trường sữa công thức, Việt Nam chỉ nên áp dụng bình ổn giá ở phân khúc thị trường bình dân, không kiểm soát giá bán sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình.

Sự “giằng co” trong việc giữ hay bỏ trần giá sữa, xét cho cùng, bản chất vấn đề nằm ở chữ “giá”. Phía doanh nghiệp kêu quy định về trần giá gây khó cho doanh nghiệp, không chỉ là chuyện đòi để thị trường điều chỉnh giá mà còn có sự không phục mức giá trần mà cơ quan quản lý đưa ra. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc áp trần giá sữa, thực chất là cơ quan nhà nước tự định giá.

Trong khi giữa cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều bảo vệ quan điểm của mình với lý lẽ vì quyền lợi người tiêu dùng, thì trên thị trường người tiêu dùng vẫn kêu giá sữa đắt. Và truyền thông cũng có nhiều thông tin cho rằng giá sữa ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Có thời điểm, như giữa năm 2016, giá nhiều mặt hàng sữa ở Việt Nam tăng mạnh, trong khi giá sản phẩm cùng loại bán ở nhiều nước khác lại không tăng.

Chứng tỏ, người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến quy định quản lý hay lý lẽ của doanh nghiệp bán hàng mà họ quan tâm đến giá sữa trên thị trường có phù hợp với giá trị thực của sản phẩm hay không.  

Giám sát thực hiện quy định về giá phải nghiêm

Thực ra tình trạng “loạn giá”, “nhảy giá” trên thị trường sữa một phần do cơ chế quản lý thị trường sản phẩm sữa không minh bạch, còn nhiều bất cập và doanh nghiệp ngoại đang nắm đa số thị phần và chi phối thị trường sữa Việt Nam.

Do đó, vấn đề về quản lý giá sữa không chỉ nằm ở quy định áp trần giá mà còn là công tác quản lý, giám sát giá thực tiễn trên thị trường. Theo Dự thảo Thông tư về quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương soạn thảo, khi bỏ trần giá sữa, thì trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

Rõ ràng, chủ trương bỏ trần giá sữa sắp thành hiện thực. Giá sữa sẽ do thị trường điều tiết, nhưng vẫn cần có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát, quản lý thị trường, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh sữa bắt tay nhau để cùng “thổi giá”.

Hơn nữa, khi bỏ trần giá sữa, thị trường sữa ở Việt Nam phải được đặt trong mặt bằng chung của thị trường toàn cầu, cơ quan quản lý cần phát huy vai trò của mình ở việc giám sát về giá để tránh xảy ra tình trạng giá cùng sản phẩm mà bán ở Việt Nam cao hơn một cách bất thường so với các nước trong khu vực. Đồng thời, điều người tiêu dùng cũng cần hơn nữa là dù giá như thế nào thì đồng tiền họ bỏ ra mua sữa phải xứng đáng với giá trị thực về chất lượng của sản phẩm mà họ mua được.

Tất nhiên, làm được điều đó không thể chỉ trông chờ vào một văn bản chính sách mà còn là kỷ luật công vụ, chế tài xử lý vi phạm và cái tâm, cái tầm của người làm công tác quản lý thị trường và của cả những người làm công tác quản lý, giám sát những người trong cỗ máy quản lý thị trường sữa./.
 

Theo Xuân Thân/VOV

.