Đến 2015, cơ bản không còn xuất lậu khoáng sản.
Trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương trước tình trạng khai thác và xuất khẩu lậu khoáng sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Việt Nam có nhiều loại kháng sản, nhưng khoáng sản có trữ lượng lớn không nhiều, chỉ ở một số địa bàn xa xôi, khó quản lý.
Những năm qua, khai thác và xuất khẩu lậu khoáng sản diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống bà con khu vực có mỏ khoáng sản, vì khai thác bừa bãi, không quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, gây thất thu cho nhà nước và có thể gây thiếu nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước.
Bộ rưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chế biến, tiêu thụ, quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác... khoáng sản. Bộ đã phối hợp cùng bộ ngành liên quan để cùng chấn chỉnh tình trạng này.
Tháng 2/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/2012 có khẳng định coi khoáng sản là nguồn tài nguyên quý của đất nước, không được để thất thoát, xuất khẩu thô, buộc phải chế biến. Quá trình khai thác phải đi liền chế biến, nếu không có không cấp phép. Tuy nhiên, trừ than đá và dầu khí vẫn phải cho xuất khẩu lượng nhất định vì cơ sở chế biến trong nước chưa chế biến hết lượng khai thác được. Khi nào công suất nhà máy trong nước đủ chế biến sẽ không cho xuất khẩu thô nữa.
Còn về than đá, do tính chất địa chất, cơ cấu các mỏ than đá, có lượng than chất lượng rất cao đã được khai thác, nhưng trong nước chưa có nhu cầu sử dụng, trong khi giá trị lại rất cao. Do đó, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu để lấy kinh phí phục các hoạt động khác.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo phải chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó đặc biệt là chấm dứt khai thác vàng. Do đó, tình hình quản lý khoáng sản tài nguyên nói chung, xuất lậu khoáng sản nói riêng hiện đã dần được khắc phục. Xuất khẩu qua chính ngạch và tiểu ngạch đã sụt giảm nhiều so với trước đây. Điều này đã được các địa phương báo cáo và khẳng định về hiệu quả, tác dụng của Nghị quyết 02/2012 của Chính phủ.
Tuy nhiên, có một số DN trước đây đã được cấp phép khai thác khoáng sản trước ngày ban hành Nghị quyết 02/2012 mà không được xuất khẩu nữa cũng đã không tiêu thụ được sản phẩm. Điều này khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người lao động bị ảnh hưởng... Do đó, giữa năm 2012, nhiều địa phương đã có văn bản báo cáo Chính phủ, cơ quan chức năng xem xét cho phép tiếp tục xuất khẩu khoáng sản đã khai thác trước ngày Nghị quyết 02/2012 có hiệu lực nhằm xuất nốt hàng tồn kho.
Qua thực tế xem xét, kiểm tra,... Chỉnh phủ đã đồng ý cho một số địa phương được phép cho xuất khẩu hàng tồn kho đó, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, ưu tiên bán cho DN trong nước trước, nếu trong nước không có nhu cầu mới xuất khẩu. Hiện đã bước đầu tháo gỡ khó khăn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận, dù Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa hạn chết được hoàn toàn tình hình xuất lậu khoáng sản tại một số địa phương.
“Tôi xin nhận trách nhiệm với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, dù đã làm nhưng chưa triệt dể. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định để đến năm 2015 cơ bản không xảy ra xuất lậu khoáng sản” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.
Theo VOV online