Không riêng các loại đũa dùng một lần, ngay cả những loại đũa dùng lâu dài cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh từ các loại hóa chất ngâm tẩm.
 


Khó kiểm soát

BS Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm (ATTP) Việt Nam cho biết, hầu hết các loại đũa gỗ trôi nổi đều chắc chắn có chất chống mốc, chống mối mọt… Với các sản phẩm được làm từ nhựa thì không được dùng nhựa phế phẩm. Thực tế, không ít cơ sở sản xuất muỗng, đĩa nhựa, ống hút đã sử dụng loại nguyên liệu rẻ tiền này, cộng với những hóa chất công nghiệp độc hại… Từ đó, có nhiều chất độc hại bám trên bề mặt sản phẩm, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Hiệp hội Đóng gói thực phẩm TQ, các sản phẩm dùng một lần như đũa, hộp xốp đựng thức ăn, đĩa, ống hút… đều có vấn đề về chất lượng. Phần lớn những sản phẩm này chứa hàm lượng kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, khi ngấm vào cơ thể có thể dẫn đến ung thư. Thực tế, sau nhiều cảnh báo đũa tre, muỗng, đĩa nhựa, hộp xốp, ống hút… có chất độc hại từ các nước, hàng loạt sản phẩm bị thu hồi, cơ quan chức năng trong nước cũng tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, hầu hết các vụ xét nghiệm đều ghi nhận sản phẩm... an toàn. Đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, ống hút và các bao bì tiếp xúc, chứa đựng thực phẩm được kiểm soát, kiểm nghiệm thường xuyên, nhưng chưa phát hiện độc tố. Theo đó, kết quả xét nghiệm 14 mẫu ống hút năm 2012, năm mẫu trong 5 tháng đầu năm 2013 của Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia cho thấy không phát hiện các kim loại nặng.

Tương tự, tiến hành giám sát năm mẫu hộp xốp (quy cách 20 chiếc/mẫu) trên địa bàn Hà Nội cũng đều không phát hiện hàm lượng thôi nhiễm styren gây hại cho sức khỏe. Đối với đũa tre sử dụng một lần và tăm tre lưu thông trên địa bàn Hà Nội và tại hai cơ sở sản xuất tại tỉnh Hòa Bình, cơ quan chức năng đã xét nghiệm 20 mẫu đũa tre sử dụng một lần (10 mẫu đũa sản xuất tại Việt Nam, 10 mẫu đũa có chữ TQ, quy cách 100 đôi/mẫu). Kết quả kiểm nghiệm không phát hiện chất bảo quản (acid benzoic, sorbic) và chất tẩy trắng (SO2). Ngoài ra với năm mẫu tăm tre (quy cách 20 gói/mẫu) cũng không phát hiện chất bảo quản và chất tẩy trắng.

Trong khi đó, tại TP.HCM, Thanh tra Sở Y tế từng phát hiện có 2/6 mẫu hộp xốp, muỗng, ống hút không đạt mức độ thôi nhiễm và hàm lượng cặn khô. Hàm lượng cặn khô trong dung dịch chiết (ethanol, axit acetic, n-heptan) vượt quá quy định cho phép...
 

Theo Nguyễn Cẩm - Đăng Thư
PNO

.