Ai cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố nhưng vẫn liều “nhắm mắt đưa chân”, còn các nhà quản lý hầu như bất lực với vô số hàng quán kém vệ sinh đua nhau mọc lên nhan nhản.


Để chạy theo lợi nhuận, người bán sẵn sàng coi thường tính mạng của người tiêu dùng khi hàng loạt các quán trà chanh vỉa hè sử dụng hóa chất để thay thế các nguyên liệu tự nhiên. Ly trà chanh thơm ngon đến tay khách pha chế bằng bột chè (xuất xứ từ TQ) hòa với 1kg đường hóa học, có thể thay thế cho 400kg đường thông thường, cộng thêm một ít chất tạo mùi chanh.

Khi quan sát một quán trà chanh trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, dễ dàng nhận thấy hàng loạt ly cốc chỉ được tráng sơ qua rồi dùng lại để “tiết kiệm chi phí”, ngay cả những chiếc ống hút dùng xong cũng được người bán tận dụng một cách tối đa.

Chè khúc bạch, món giải khát được giới trẻ ưa chuộng và tạo ra cơn sốt gần đây cũng đang gây bất an cho người tiêu dùng. Bởi rất nhiều hàng quán đã sử dụng gelatin bẩn, giá rẻ từ TQ có chất gây ung thư, sỏi thận, để tạo nên những viên “khúc bạch” nom rất ngon lành. Thành phần cơ bản trong chè khúc bạch gồm gelatin, sữa tươi, đường và dầu hạnh nhân, trong đó “gelatin” là nguyên liệu chính yếu để làm nên món chè mát ngọt này.

Gelatin là một chất rắn không màu, không vị, giòn (khi để khô), làm từ collagen lấy trong da heo và xương gia súc. Ông Lê Thanh Hải - giảng viên khoa công nghệ sau thu hoạch Đại học Hùng Vương TP.HCM - cho biết: “Chế biến chè khúc bạch nếu sử dụng gelatin sạch thì dĩ nhiên không có vấn đề gì, vì đây là một món ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt.

Tuy nhiên, gần đây xuất hiện thông tin gelatin bẩn từ TQ, được sản xuất từ da động vật phế thải, bị phát hiện nhiễm kim loại nặng rất độc là chromium, hay được nhập khẩu không rõ nguồn gốc, thành phần, nhãn mác làm người tiêu dùng hoang mang. Bởi quá trình nhiệt hóa khi đun nấu, nếu gelatin không sạch, các kim loại nặng trong đó sẽ được giải phóng. Nếu vào cơ thể thì những thành phần này khó hấp thụ được, quá trình dài có thể gây rối loạn gien dẫn đến ung thư hay sỏi thận”.

Hãy tự bảo vệ mình

Theo Cục ATVSTP thuộc Bộ Y tế thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 bệnh nhân, trong đó có đến 18 trường hợp đã tử vong. Đáng nói là, số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố ngày càng tăng, chiếm từ 2 - 3% trên tổng số. Và hiện nay, tình hình ngộ độc do thức ăn đường phố đã trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn khi đã xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Điển hình như vụ ngộ độc bánh mì tại Tuy Hòa (Phú Yên) đã khiến 29 người phải nhập viện. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ quán bánh mì đã sử dụng loại chà bông có chứa độc tố “tụ cầu vàng”, đây là loại vi khuẩn khiến người nhiễm bị đau bụng dữ dội, nôn, đi ngoài và nguy hiểm hơn có thể trụy tim mạch, co giật dẫn đến tử vong. Và mới đây, một điều tra về tình trạng bệnh tiêu chảy cấp trên 8 hộ gia đình thì có từ 12 - 13% nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thức ăn đường phố.

Trước cổng chính Bến xe Chợ Lớn, Q.5, hai bên đường bày bán đủ các loại thức uống và thực phẩm chế biến sẵn. Điều đáng nói, buổi sáng, nơi đây là một khu chợ tự phát, đến buổi trưa các quán ăn vỉa hè được dọn ra bên cạnh những đống rác thải bê bối, chưa kể những mùi khó chịu của chợ búa bốc lên nồng nặc. Vậy mà “bất chấp hoàn cảnh”, thực khách vẫn cứ vô tư thưởng thức những món khoái khẩu tại khu ẩm thực này.

Nhận thấy tình trạng nhếch nhác như trên, cơ quan chức năng cũng thường xuyên đi “dẹp”. Nhưng ngặt một nỗi hai bên con đường này thuộc 2 phường khác nhau, nên mới xảy ra trường hợp Công an phường 1 đi kiểm tra thì người bán hàng rong lại chạy sang vỉa hè thuộc quản lý của phường 2, và ngược lại.

Ngoại thành đã đành, đến khu trung tâm nổi tiếng về làm du lịch như Q.1 cũng không “thoát khỏi” nạn hàng rong nhếch nhác. Điển hình như tại khu “cà phê bệt” Công viên 30/4, hay bùng binh Hồ Con Rùa… Hàng rong tại các khu này nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến 11 – 12 giờ đêm. Hàng chục loại thức ăn từ bánh tráng trộn, hột gà nướng, bắp xào… được bày bán nhan nhản.

Đặc biệt, món bánh tráng trộn bên hông Bưu điện TP.HCM hay dọc trên vỉa hè thuộc khu Công trường Lam Sơn (Q.1) luôn là nơi thu hút đông người đến tìm mua. Do số lượng khách đông, người bán luôn tay liên tục bóc vỏ trứng cút, rồi lại xé nhỏ bánh tráng, gọt xoài, trộn nước sốt. Có khi họ dùng găng tay ni-lông đã sử dụng qua nhiều lần để trộn, thậm chí khi khách đốc thúc vì đợi lâu, người bán vô tư… để luôn tay trần bóp, trộn bánh tráng “cho tiện”.

Vỏ xoài, rau răm các thứ được đựng nhếch nhác trong một bì ni-lông nhỏ bày ngay trên lề đường đầy khói bụi, ruồi nhặng. Không những mất mỹ quan đô thị, mà hầu như người tiêu dùng nào cũng biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao đến từ những hàng quán như thế này. Ngành chức năng cũng ráo riết kiểm tra và cấm bán hàng rong tại những địa điểm nêu trên.

Nhưng người bán hàng rong vốn dĩ đã có kinh nghiệm “chạy công an”, nên mỗi khi nhác thấy bóng Đội quản lý đô thị đi kiểm tra là họ đã kịp thu dọn rồi chạy đi… mất dạng. Đến khi thấy tình hình yên ổn lại dọn ra… bán tiếp. Thế nên, vô số hàng quán buôn bán thức ăn, thức uống vỉa hè cứ vô tư mọc lên, bất chấp mọi nỗ lực của nhà quản lý.

Hàng quán vỉa hè quản lý không xuể đã đành, còn chưa kể đến hàng loạt các cơ sở sản xuất thực phẩm chế biến sẵn như bún, phở, bánh tráng, bánh ướt… vi phạm nghiêm trọng về các tiêu chuẩn an toàn khi vô tư dùng hóa chất bảo quản, các chất phụ gia vượt ngưỡng quy định gấp nhiều lần. Các sản phẩm này lại được tuồn ra thị trường thông qua những hàng quán vỉa hè, và người dân lại khó thể phân biệt đâu là “thượng vàng hạ cám”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Quốc Hùng - Cục ATVSTP - cho rằng không thể phủ nhận thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động cũng như thường xuyên kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Nên ta có thể nhận thấy nhiều hàng quán vỉa hè đã bày biện đồ ăn trong tủ kiếng, che đậy cẩn thận, dùng găng tay ni-lông hay dụng cụ để gắp thức ăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người buôn bán chưa nghiêm chỉnh thực hiện.

Bộ Y tế ra thông tư 30 với 10 tiêu chí về quản lý thức ăn đường phố nhưng việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi các nước phát triển áp dụng phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ quy trình sản xuất, như Nhật Bản 99% quản lý an toàn trên điều kiện sản xuất, chỉ có 1% quản lý trên sản phẩm vì chi phí quản lý sản phẩm rất đắt đỏ. Chúng ta cũng có hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng đang trong giai đoạn xây dựng, kiểm tra quá trình sản xuất còn nhiều bất cập vì có tới 80% hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Trước những tồn tại từ khâu quản lý, cũng như khó có thể đòi hỏi cao hơn về ý thức, đạo đức kinh doanh của người bán hàng, thì chính người dân phải tự có ý thức để bảo vệ bản thân khỏi những hiểm họa trước mắt từ thức ăn, thức uống đường phố.
 

Theo Dòng Đời

.