Với xấp xỉ 30 triệu người dùng trên cả nước, các nhà mạng thu lợi cực lớn từ dịch vụ 3G, đặc biệt là qua cách tính cước mập mờ như hiện nay.
 
Không đăng ký vẫn phải đóng cước
 
Có một thực trạng hiện nay là nhiều khách hàng dù không đăng ký sử dụng dịch vụ 3G nhưng hằng tháng vẫn bị tính tiền. Một khách hàng tên Thu tại TP.HCM cho biết, chị không hề đăng ký nhưng vẫn bị tính tiền dịch vụ GPRS lên đến gần 400.000 đồng/tháng. Khiếu nại thì chị được nhà mạng giải thích do khi khách hàng mở wifi nhưng sóng yếu, máy sẽ tự động chuyển sang chế độ tự kết nối GPRS. Vì vậy, khách cần phải nhắn tin hủy theo cú pháp của nhà mạng. Từ việc này, chị Thu mới biết thêm là điện thoại của mình đã được cài sẵn một số dịch vụ khác như chuyển cuộc gọi, giữ chờ cuộc gọi, nhận SMS khuyến mãi... và nếu không muốn sử dụng phải nhắn tin xin hủy. “Thật khó chịu, tại sao tôi không đăng ký sử dụng mà lại tính tiền rồi bắt tôi phải nhắn tin để hủy? Đáng lẽ các nhà mạng phải ra khuyến cáo khách hàng về các dịch vụ gia tăng để khách hàng hiểu rõ và có nhu cầu mới đăng ký sử dụng. Ngay cả chức năng tự kết nối GPRS cũng vậy. Điều này thật vô trách nhiệm với khách hàng”, chị Thu nói.
 
3G ’nuốt tiền’ của khách: Đủ chiêu móc túi người dùng Ảnh: Hạ Huy
3G ’nuốt tiền’ của khách: Đủ chiêu móc túi người dùng Ảnh: Hạ Huy
 
Hiện nay, theo công bố của các nhà mạng, đơn vị lưu lượng tính cước tối thiểu là 50 KB, phần lẻ nhỏ hơn 50 KB cũng được tính tròn thành 50 KB. Nếu không đăng ký gói cước 3G nào thì mức phí mặc định là 75 đồng/50 KB. Nếu đăng ký các gói cước thông thường, khi hết dung lượng miễn phí tốc độ cao sẽ tính phát sinh cước ngoài gói là 75 đồng/50 KB. Dung lượng sử dụng được tính trên tổng dung lượng upload và download dữ liệu. Ngoài ra, có thêm một điều khoản bất lợi khác là dung lượng miễn phí của các gói cước đăng ký chỉ tính trong vòng 30 ngày sau khi đăng ký. Như vậy, nếu tháng trước khách hàng không sử dụng hết dung lượng trong gói đăng ký cũng không được chuyển sang cho tháng sau, nhưng khi vượt dung lượng cung cấp thì phải chịu tính thêm tiền. Đặc biệt, với cách tính cước mặc định 75 đồng/50 KB cho khách hàng không thuê bao gói (trả tiền theo dung lượng sử dụng thực tế) và 25 đồng/50 KB cho khách hàng thuê bao gói nhưng dung lượng vượt mức giới hạn; kèm theo cách tính block 50 KB + 50 KB thì khách hàng sẽ phải trả mức phí cao hơn rất nhiều so với cách tính cũ là cước vượt dung lượng 2,5 đồng/10 KB với cách tính block 10 KB + 10 KB.
 
Cao gấp 5 lần cước 3G trong khu vực
 
Một chuyên gia về tin học tại TP.HCM đưa ra phép tính: Đối với các gói cước trọn gói (600 MB/tháng), sau khi sử dụng hết dung lượng cho phép thì tốc độ đường truyền 3G của cả 3 mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel đều giảm xuống 32 Kbps. Đây là tốc độ rất thấp, thua cả đường truyền Dial-up bằng điện thoại bàn trước kia. Với băng thông này thì lướt web cũng đã khó chứ đừng nói đến xem video hay nghe nhạc. Còn ở các gói cước có giới hạn, cả 3 nhà mạng đều áp dụng mức cước 25 đồng/50 KB cho những dung lượng bị dùng vượt mức. Tính ra giá cước này hơn 500 đồng/MB, cao hơn mức bình quân của khu vực ASEAN là 318 đồng/MB.
 
Đối với trường hợp không đăng ký gói cước mà sử dụng theo dạng xài bao nhiêu tính bấy nhiêu thì giá cước còn cao hơn rất nhiều. Cụ thể, với mức giá công bố của các nhà mạng là 1,5 đồng/KB, mỗi MB sử dụng là 1.536 đồng (1 MB = 1.024 KB). Nếu dùng khoảng 500 MB (tương đương với gói thuê bao tháng) thì hết gần 800.000 đồng, cao gấp 5 lần giá cước 3G trong khu vực.
 
Với những gói thuê bao có dung lượng miễn phí chỉ 50MB hoặc 150 - 200 MB mỗi tháng thì việc lướt web, kết nối của khách hàng sẽ bị giới hạn rất nhiều. Chẳng hạn, gói dữ liệu 50 MB chỉ đủ cho người dùng đọc báo hoặc vào truy cập Facebook liên tục khoảng 1 - 3 giờ (tùy thuộc trang web có nhiều hình ảnh hay không)... Tuy nhiên, như Thanh Niên đã phản ánh, thời gian gần đây ngay cả các gói thuê bao tháng cũng cạn dung lượng vùn vụt, nghĩa là đăng ký 70.000 đồng nhưng chỉ dùng được khoảng vài ngày là hết dung lượng 600 MB tốc độ cao, người dùng chỉ còn được dùng 3G với tốc độ rùa bò. Muốn sử dụng 3G tiếp tục thì buộc phải mua thêm gói với thời hạn sử dụng chỉ được đến cuối tháng. Như vậy, rõ ràng cước 3G tại VN không hề rẻ hơn khu vực như các nhà mạng vẫn thường nói.
 
“Thượng đế” tự kiểm soát
 
Theo chuyên gia công nghệ Vũ Ngọc Sơn, thật khó để người dùng bình thường có thể nắm rõ cũng như hiểu cách tính cước 3G của các nhà mạng; trong khi nhà mạng lại không có sự tư vấn rõ ràng khi cung cấp dịch vụ. Vì vậy, để tránh bị rơi vào các trường hợp mất tiền oan, người dùng có thể tự kiểm soát việc truy cập internet qua 3G thông qua phần mềm trong các máy điện thoại thông minh. Từ đó có thể đối chiếu với nhà mạng. Ngoài ra, người dùng nhớ kiểm soát các ứng dụng trong điện thoại để tránh trường hợp tự động nâng cấp và sẽ khiến người dùng tốn thêm cước 3G.
 
Theo Thanh niên