Theo báo cáo nhanh về thị trường của Bộ Công Thương, ngày 13/2/2021 tức Mùng Ngày mùng 2 Tết, thị trường đã sôi động hơn ngày mùng 1 Tết, tuy nhiên hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn rất ít do đầu năm người dân chủ yếu đi lễ chùa và đi chơi Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế hơn việc đi đền chùa và thăm hỏi.
Một số siêu thị mở cửa xuyên Tết như Aeonmall, Circle K… và một số siêu thị khai trương sáng ngày mùng 2 Tết như Big C, Saigon Co.op… nên đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với thời điểm trước Tết.
|
|
Nhiều siêu thị mở cửa từ ngày mùng 2 Tết. Ảnh NLĐ |
Tại các chợ truyền thống, một số tiểu thương đã bày bán các mặt hàng hoa, quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm và bắt đầu bán rau xanh, thực phẩm tươi sống trở lại (chủ yếu là cá, thịt lợn, thịt bò...). Nhìn chung, các mặt hàng được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như rau xanh, thủy sản, hoa, quả tươi, giá các mặt hàng này tương đương mức giá những ngày cận Tết.
Theo khảo sát của phóng viên, tại khu vực phố Bạch Mai, Nguyễn Cao và Chợ Đại Từ, Linh Đàm (Hà Nội), lác đác một số quầy bán rau, thịt đã mở bán, nhưng người tiêu dùng chủ yếu mua rau các loại.
Tại chợ “cóc” đầu ngõ Lò Lợn, phố Bạch Mai, bà N.T.Thắm, tiểu thương bán rau cho biết, Tết năm nay, thời tiết ấm, nên giá các loại rau, củ quả không tăng nhiều. Ngày thường, giá rau bắp cải là 12.000 đồng/kg thì nay là 15.000 đồng/kg; trứng gà ta là 30.000 đồng/10 quả; giá rau muống 12.000 đồng/mớ, không tăng so với ngày thường; giá chanh vẫn duy trì 10.000 đồng/3 quả...
Dọc phố Nguyễn Cao ngày mùng 2 Tết, chỉ có 3 quầy bán rau và 1 quầy bán đồ khô. Theo chia sẻ của tiểu thương nơi đây, lượng khách mua không nhiều. Chỉ có giá rau sống biến động hơn, do nhu cầu tăng, giá bán hiện nay 50.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với trước Tết; cà chua là 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; nấm kim châm nông sản Thực Chung tăng hơn chút so với ngày thường, giá 25.000 đồng/2 lạng, gói nhỏ hơn là 15.000 đồng...
Do vẫn trong kỳ nghỉ Tết, nhiều cơ sở sản xuất bánh bún, phở chưa hoạt động, nên giá bán có tăng hơn so với trước. Dọc tuyến phố Bạch Mai, một số quầy bán bánh phở, bún đồng loạt bán 12.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với trước; trên phố Lò Đúc, Nguyễn Cao, giá phở, bún là 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với trước...
Bộ Công Thương dự báo, trong ngày mùng 3 Tết hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn ngày mùng 2 Tết, các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, giá bán nhích nhẹ so với dịp sát Tết.
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết.
Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại và giá cả đa dạng.
Ngoài ra, báo cáo nhanh của Bộ Công Thương cũng cho biết, tại một số tỉnh thành đang xảy ra dịch bệnh Covid-19, tình hình thị trường không mấy sôi động, đa phần người dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh.
|
|
Rau xanh đắt hàng mùng 2 Tết. Ảnh Báo tin tức |
Cụ thể, tại Hà Nội, người dân đã hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết, các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình chùa, các điểm vui chơi không sôi động bằng các năm trước, các cơ sở kinh doanh hầu như đóng cửa.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình mua sắm trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hiện nay hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa xanh… Trên địa bàn thành phố nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.
Tương tự, tại Quảng Ninh, tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.
Tại Hải Dương, tính đến thời điểm 16 giờ ngày 12/02/2021 tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế; tại các siêu thị, lượng người mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến.
Tại Điện Biên, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Còn theo báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ngày mùng 2 Tết, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.