Người nông dân đang hết sức lo lắng khi nhiều loại rau quả thực phẩm do mình sản xuất ra được thị trường tiêu thụ hết sức chậm chạp vì người tiêu dùng e ngại đó là hàng nhập về từ Trung Quốc.

 

 

“Thứ gì cũng nghĩ là hàng... Trung Quốc!”

 

Bà Nguyễn Thị Thu, nông dân trồng rau tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây, nhiều loại nông sản của bà cũng như nhiều nông dân khác trong vùng tiêu thụ rất chậm. Nhất là những người trồng hành tây, đã có những gia đình phải đổ bỏ cả tấn vì không bảo quản được, trong khi thương lái không đến lấy hàng. “Rau và hành tây mình sản xuất được nhiều, cố gắng sắp xếp cho đẹp đẽ, thì người mua lại cứ nghĩ đó là hàng Trung Quốc nên không mua. Nhiều người cứ quan niệm rằng, đã là hàng Việt Nam thì phải… xấu và số lượng không quá nhiều. Ví dụ, khoai tây thì củ phải nhỏ, bông cải (súp lơ) cũng nhỏ và mặt phải sần sùi, còn cà rốt thì phải có dính chút đất đỏ. Có vậy họ mới tin, mới mua”, bà Thu chia sẻ.

 

Thời gian gần đây, do áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật, công nghệ trồng trọt nên nông dân nhiều địa phương trọng điểm nông nghiệp ở phía Nam đã bội thu nhiều loại sản phẩm như xoài, thơm, hành tây, bầu, bí, cải xanh, cải thìa… Đó cũng là cơ hội để thương lái có thể lựa chọn thu mua những sản phẩm chất lượng cao, trong khi người bán lẻ chịu khó sắp xếp để trông thật “bắt mắt”. Nhưng những nỗ lực này vô hình trung lại tạo… hiệu ứng ngược, khi nhiều người tiêu dùng, nhất là tại khu vực TPHCM nghi ngờ đó là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc. Mà nông sản Trung Quốc thường được cảnh báo là thiếu an toàn, từ công nghệ trồng trọt cho đến công nghệ bảo quản.

 

Chị Phước, có sạp bán rau ở Q.5, TPHCM, kể: “Muốn có rau tươi, ngon tôi phải thức từ 3-4 giờ sáng để chờ xe từ miền Tây đổ hàng về, rau rất tươi ngon rất đẹp. Thế mà nhiều người cứ đến hỏi “có phải đó là rau Trung Quốc”, tôi giải thích mãi họ cũng không tin, rồi nhất quyết không chịu mua. Có nhiều hôm rau ế phải bỏ cả đống, nhìn mà xót cả ruột!”.

 

Theo suy nghĩ của nhiều người những loại rau bán được nhiều nhất thời gian gần đây là rau muống, rau cải cúc, rau dền, rau đay, rau nhút… đều là những thứ “ở Trung Quốc không có hoặc không nhập qua”.

 

Nhập nhèm hai họ Việt - Trung

 

Không thể phủ nhận một thực tế là thời gian qua, rất nhiều loại nông sản Trung Quốc ồ ạt nhập qua Việt Nam với số lượng lớn, trong đó nhiều loại “chui sâu” đến tận các địa phương miền Nam, được thương lái và một số tiểu thương “thay tên đổi họ” để “đội lốt” hàng Việt Nam. Ngay tại chợ Đà Lạt cũng có rất nhiều nông sản Trung Quốc như khoai tây, cà rốt, bông cải, cần tây… bày bán. Thậm chí, có khá nhiều loại chiếm lĩnh thị trường, “đè bẹp” cả các mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước. Trong đó phải kể đến hành tây, hành tím, tỏi, khoai tây, cà rốt, bông cải… Những ngày gần đây, không ít tiểu thương bán các loại rau củ “nhập ngoại” này với giá cao hơn hàng trong nước.

 

Nhiều người tiêu dùng cho biết, khi mua họ cũng thường hỏi người bán để phân biệt hàng Việt Nam hay Trung Quốc, nhưng người bán chỉ trả lời qua loa, không đáng tin cậy. “Vì vậy, chúng tôi đành phải tự phân biệt theo kinh nghiệm của mình, hễ thấy loại nào to, đẹp, số lượng nhiều thì chắc hẳn đó là hàng Trung Quốc, còn thứ nào ít, nhỏ và giá “nhỉnh” hơn thì chắc mẩm là hàng Việt Nam”, bà Phạm Thị Oanh, ngụ tại P.An Phú, Q.2, TPHCM cho biết.

 

Được biết, số đông người tiêu dùng mua nông sản cho bữa ăn gia đình thường chọn hàng Việt Nam, nhưng phần lớn các quán ăn thì chọn mua hàng Trung Quốc “vừa đẹp vừa rẻ”. Trước thực tế này, đòi hỏi các ngành chức năng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch về xuất xứ sản phẩm để giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn một cách chính xác. Đó cũng là một giải pháp để nhằm “giải cứu” nông dân thoát khỏi tình trạng nông sản ế ẩm và bị các sản phẩm nhập khẩu chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh.

 

Theo Người tiêu dùng

.