(BVPL) - Ngày 14/7/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát động cao điểm chống dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả trong thời gian từ 15/7 đến 15/10/2015. Vậy, thực tế tình trạng mỹ phẩm giả trên thị trường đang diễn ra như thế nào, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh mặt hàng này ra sao, chúng ta đang làm gì để ngăn chặn mỹ phẩm giả?

Trong những ngày đầu tháng 7, lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lậu, mang các nhãn hiệu cao cấp với số lượng lên đến cả chục tấn của Công ty mỹ phẩm Huyền Trang. Cơ quan chức năng phát hiện, 3 nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz, Công ty mỹ phẩm Huyền Trang đăng ký thương hiệu nhưng không trực tiếp sản xuất mà nhập hàng từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác đề xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Loạn thị trường mỹ phẩm

Chỉ cần một cú click chuột gõ cụm từ “mỹ phẩm giá rẻ”, Google cho hàng trăm nghìn kết quả với đủ loại sản phẩm cũng như thương hiệu, giá giảm 20%, thậm chí đến 50%. Các sản phẩm này được quảng cáo với những hình ảnh bắt mắt, với lời cam kết hàng thật, giá rẻ.

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay trên thị trường rất nhiều loại mỹ phẩm giả, nhái đã được làm rất tinh xảo, giống hàng thật từ mẫu mã, mùi hương cho đến màu sắc, khiến cho người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn, dẫn đến rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Chị Hà Ngọc Linh (Hoàng Mai, Hà Nội): Chúng tôi mua hàng bằng lòng tin với người bán hàng thôi, chứ tôi cũng không thể phân biệt được sản phẩm đó là thật hay giả... Trên thực tế không biết bao người tiêu dùng đã mua hàng trên mạng bằng lòng tin như vậy, cuối cùng nhận lại là sản phẩm kém chất lượng…

Nhiều dấu hỏi trong quản lý

Thị trường mỹ phẩm “vàng thau” lẫn lộn đang cho thấy rất nhiều vấn đề trong quản lý mặt hàng này. Các cơ quan chức năng dường như đang bó tay với việc mỹ phẩm giả trà trộn, len lỏi ra thị trường.

Theo Đại tá Hồ Quang Thái, Phó Chánh văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia: Phải nói là hiện nay các cơ quan chức năng chưa hề quản lý gì đến mạng bởi vì kinh doanh nên mọi cá nhân, tổ chức khi nhập hàng hóa về đều được đưa lên mạng để quảng cáo sản phẩm.

Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP. Hà Nội: Đây là một vấn đề khá nan giải cho công tác quản lý thực tiễn, nhất là khi họ bán trên mạng và bán truyền tay vì thế có hai vấn đề đặt ra: Một  là, liên quan đến chất lượng, hai là, vấn đề liên quan đến kiểm soát để đảm bảo công bằng, nghĩa vụ với Nhà nước… cần sự hỗ trợ từ cộng đồng người dùng.

Không chỉ lợi dụng những yếu kém trong quản lý kinh doanh trên mạng, mỹ phẩm giả còn lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ của pháp luật để hàng ngày tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thu về lợi nhuận lớn.

Theo quy định hiện nay, mỹ phẩm nước ngoài sản xuất, nhập khẩu phải được Cục Quản lý Dược cấp phép, còn sản xuất trong nước thì đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch Đầu tư hoặc các quận, huyện. Sau đó, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm rồi đăng ký ở ngành Y tế để đưa ra thị trường. Trong khi đó, cơ quan quản lý không cần khảo sát, thẩm định về cơ sở sản xuất, thành phần cũng như trang thiết bị và có đủ năng lực để sản xuất hay không. Đây được xem là kẽ hở để mỹ phẩm kém chất lượng được sản xuất ngay tại trong nước rồi tuồn ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng.

Những lỗ hổng trong quản lý bị lợi dụng

Đại tá Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia: Có những trường hợp chỉ đăng ký thương hiệu thế thôi nhưng họ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về những chất liệu để sản xuất, cho dù được đặt hoàn toàn từ Trung Quốc về, sau đó dán nhãn mác những thương hiệu lớn để bán. Hoặc có trường hợp chỉ đăng ký mẫu mã 500 sản phẩm khi bán hết, đối tượng lại lợi dụng hóa đơn chứng từ đó xoay vòng lại mang về 200 - 300 sản phẩm để bán, để trốn lậu thuế.

Ông Lê Việt Phương - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Thủ đoạn của doanh nghiệp rất tinh vi khi đặt in nhãn mác cũng từ nước ngoài, chuyển về Việt Nam chỉ đưa ra lưu thông chứ không phải dán nhãn mác tại Việt Nam như trước nữa.

Các luật sư hy vọng trong Luật Đầu tư (sửa đổi) tới đây, việc kiểm soát mỹ phẩm sẽ tốt hơn khi yêu cầu đưa mỹ phẩm vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng… các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn nhưng việc bắt giữ, xử lý mỹ phẩm giả vẫn như “muối bỏ bể”. Và chừng nào mà những lỗ hổng về mặt pháp lý vẫn chưa được khắc phục thì việc chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” mà thôi.

Khoa Nguyên

.