(BVPL) - Tăng tuổi nghỉ hưu một cách chọn lọc sẽ khiến cho lợi tức nhân khẩu học kéo dài thêm 7 năm. Tăng tuổi nghỉ hưu không làm mất việc làm của lao động trẻ mà còn tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Đây là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội (KH-LĐ-XH) trước những tranh cãi xung quanh phương án tăng tuổi nghỉ hưu đang được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến.
• Thưa bà, dư luận hiện nay đang có những phản ứng trái chiều về phương án tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB-XH. Là chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực LĐ việc làm, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương: Già hóa dân số, tăng tuổi thọ của người lao động (NLĐ) và tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu ở các quốc gia. Theo dự báo của Tổng cục thống kê, dân số là người cao tuổi của Việt Nam đạt 13,34 triệu người năm 2015, chiếm 14,6% tổng dân số . Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, dự báo đến năm 2030, cả nước sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi, chiếm 16,7% tổng dân số và đến năm 2040 là 22,3 triệu người, chiếm 20,8%.
|
Lao động trẻ phỏng vấn tìm việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh Thu Hằng/Báo Thanh niên |
Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 72,9 tuổi năm 2010 và 73,3 tuổi năm 2015 (nam là 70,7 tuổi và nữ là 76,1 tuổi).
Theo chính sách bảo hiểm hiện hành, tuổi về hưu là 55 đối với nữ, 60 đối với nam; tuổi về hưu trung bình chỉ là 53,4 tuổi và thời gian đóng bảo hiểm trung bình quy đổi của lao động tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt gần 15 năm, trong khi số năm bình quân hưởng lương hưu là gần 10 năm.
Năm 1960, tuổi thọ của chúng ta chỉ hơn 60, nhưng bây giờ tuổi thọ đã gần 74 tuổi, nếu không điều chỉnh tuổi về hưu sẽ khiến cho quãng thời gian hưởng thụ/hưởng hưu trí đã kéo dài hơn, tức là lợi tức nhân khẩu sẽ giảm đi.
Ngoài những mục đích trên, tăng tuổi nghỉ hưu còn bao gồm cả việc thu hẹp khoảng cách giới về tuổi về hưu, và loại bỏ phân biệt đối xử giữa nam và nữ.
Vì vậy, điều chỉnh tuổi về hưu là yêu cần cần thiết. Các nước đều xem việc làm việc nhiều hơn không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân.
* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm này, bởi sẽ làm giảm cơ hội việc làm của giới trẻ?
Trước hết, tôi cũng chia sẻ với dư luận xã hội. Nếu chúng ta nhìn một cách cơ học, khi có một người ở lại thì có nghĩa là cơ hội ấy với người khác sẽ bị mất đi, hoặc trong một số ngành, sự ở lại của người cao tuổi gây ra nhiều trở ngại do sức khỏe không bảo đảm, cản trở cơ hội có việc làm của giới trẻ. Đó cũng là tâm lý rất bình thường và thường xảy ra trong thời kỳ ngắn hạn, khi cả người lao động, doanh nghiệp và xã hội đều chưa kịp thích ứng (do vậy, quá trình điều chỉnh thường kéo dài trong khoảng 20 năm).
Đứng về mặt chuyên môn thì vấn đề không đơn giản như vậy. Kéo dài tuổi về hưu là nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Về lý thuyết, mối quan hệ giữa thị trường LĐ và tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng kinh tế có thể đạt được theo chiều rộng (tuyển thêm LĐ), hoặc theo chiều sâu (kéo dài thời gian LĐ), trong bối cảnh cung LĐ phát triển thấp.
Đặc điểm của thị trường LĐ, là thị trường dẫn xuất, tức là tổng số việc làm phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp (DN). Khi tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu sản xuất nhiều thì cầu LĐ tăng và cầu LĐ tăng cho đến khi không có lợi nhuận thặng dư (điều này có nghĩa là kéo dài cho đến nhóm tuổi không có lợi tức về nhân khẩu học).
Về mặt xã hội học, đã có nhiều nghiên cứu từ các nước cho thấy, kéo dài tuổi về hưu có tác động tốt tới giới trẻ do có cơ hội học tập, chuẩn bị kỹ hơn khi bước vào thị trường LĐ.
Về tài chính, việc kéo dài thời gian làm việc của người cao tuổi (đặc biệt là những người có năng suất LĐ cao), lại đóng thuế nhiều hơn và nguồn tiền này Chính phủ có thể sử dụng vào các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo, trong khi đó, gánh nặng của các chi tiêu chính phủ cho người nghỉ hưu sẽ giảm đi.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là thu nhập của người cao tuổi sẽ tăng lên, cải thiện đáng kể tình trạng nghèo khổ của họ.
* Để dư luận có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, bà có thể chia sẻ thêm về những tác động tích cực trong việc tăng tuổi nghỉ hưu tại một số quốc gia?
Thực tế tại nhiều nước, trước khi có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và trong thời kỳ đầu khi điều chỉnh tuổi về hưu, thường có nhiều lo ngại, thậm chí là biểu tình của NLĐ. Tuy nhiên, sau đó, đã giảm dần các lo ngại trên do tác bản chất của thị trường LĐ là thị trường dẫn xuất và phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu ở Mỹ, Áo chỉ ra rằng, tăng tuổi nghỉ hưu không có nhiều tác động đến tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ của các nhóm tuổi (đặc biệt là nhóm tuổi trẻ).
Kinh nghiệm của Pháp và Nhật cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu tạo điều kiện cho những người có kinh nghiệm tiếp tục làm việc nâng cao thu nhập, tăng thu nhập quốc dân, tiếp tục đóng thuế cho nhà nước và giúp chính phủ đầu tư tốt hơn vào các chính sách việc làm. Các nước tăng tuổi nghỉ hưu đều có mức tổng sản phẩm quốc dân tăng lên, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người và làm kéo dài khoảng tuổi có thặng dự thu nhập chi tiêu.
Một tác động tích cực khác là tăng tỷ lệ thanh niên (15-24 tuổi) tham gia đào tạo, qua đó nâng cao trình độ của mình, cơ hội để tăng năng suất LĐ trong tương lai. Ngoài ra, khi tăng tuổi nghỉ hưu của nữ thì tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ của nữ sẽ tăng và nhóm LĐ nữ trẻ sẽ ngày càng có tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ cao so với nhóm LĐ già.
* Đó là các nước tiên tiến, trình độ kỹ thuật và điều kiện làm việc và sức khỏe hơn hẳn Việt Nam. Còn ở ta, đã có nghiên cứu đánh giá về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế hay chưa?
Kết quả tính toán của Viện KH-LĐ-XH cho thấy, tăng tuổi về hưu có một số điểm tích cực. Thứ nhất, tăng tuổi nghỉ hưu làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và làm kéo dài khoảng tuổi có thặng dư sản xuất. Theo số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình VN các năm 2010 -2014, thặng dư sản xuất thực tế của VN đạt ở khoảng từ 22 đến 55 tuổi.
Khi chưa tăng tuổi nghỉ hưu, thặng dư vòng đời của người Việt Nam bắt đầu từ 23 tuổi và kết thúc ở tuổi 55, với mức thặng dư là 237.439 tỉ đồng. Thâm hụt vòng đời xuất hiện ở 2 nhóm tuổi 0-22 và 54 tuổi trở đi. So với thế giới, thặng dư vòng đời tương đối ngắn do một vài nhân tố như: năng suất thấp, kỹ năng của lao động kém, tuổi về hưu thấp (60 đối với nam và 55 đối với nữ).
Việc tăng tuổi nghỉ hưu trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Lao động, gây ra tranh luận, chính là do thiếu những nghiên cứu mang tính khoa học và thực tế thuyết phục.
Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì thặng dư thực tế tăng lên, đạt ở nhóm tuổi 22-62. Nguyên nhân là do tăng thời gian làm việc của NLĐ khu vực nhà nước và đa số NLĐ trong khu vực ngoài nhà nước vẫn tiếp tục đi làm không nghỉ hưu.
Kết quả ước lượng cho thấy, cứ 1% tăng tổng số LĐ lớn tuổi hiện đang làm việc sẽ làm tăng GDP của Việt Nam thêm 0,068%. Đa phần các ngành đều cho thấy tốc độ tăng trưởng của LĐ lớn tuổi đóng góp vào tăng trưởng đầu ra của các ngành. Các ngành có tác động “dương” đáng kể là công nghiệp chế biến, xây dựng và thương mại, các ngành có tác động “âm” hoặc chưa khẳng định là thủy sản, khai thác mỏ, khách sạn nhà hàng và dịch vụ khác.
Thứ hai là việc làm, theo tính toán của chúng tôi, tăng 1% việc làm của người cao tuổi sẽ làm cho tổng cầu LĐ tăng thêm 0,32%. Hay nói cách khác, tăng được 173.000 việc làm, trong đó, LĐ trẻ cũng tăng thêm khoảng trên 20.000 người và LĐ nữ tăng khoảng trên 28.000 người. Các ngành có thể tăng LĐ là công nghiệp chế biến, xây dựng và thương mại.
Thứ ba, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cải thiện thu nhập của người cao tuổi. Hiện tại, chỉ có khoảng 25% số người cao tuổi có lương hưu và khoảng 15% khác có trợ cấp tuổi già, vẫn còn gần 60% người cao tuổi không chủ động thu nhập cho tuổi già. Thu nhập của người ở tuổi 55 là 2,6 triệu/tháng; giảm còn 1,2 triệu (60 tuổi) và chỉ còn 0,47 triệu (65 tuổi). Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì tỷ lệ người cao tuổi không có lương hưu sẽ giảm còn 40% (2036), thu nhập bình quân tháng sẽ tăng, đạt 3,5 triệu (55 tuổi), 2,5 triệu (60 tuổi) và 1,6 triệu (tuổi 65).
|
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện KH-LĐ-XH Ảnh Thu Hằng/Báo Thanh niên |
* Nghĩa là bà cho rằng phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đưa là hoàn toàn hợp lý?
Dưới giác độ kỹ thuật thì đúng là như vậy, nhưng đây là kết quả tính chung cho cả nền kinh tế. Chúng ta cần có các phương án cụ thể đối với các nhóm ngành nghề khác nhau.
Trước hết, hãy bắt đầu với nhóm LĐ mà năng suất LĐ tỷ lệ thuận với thâm niên công tác, tức là nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (từ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật trở lên). Cụ thể, nhóm LĐ trong khu vực hành chính, sự nghiệp của nhà nước và nhóm lãnh đạo quản lý, chuyên gia bậc trung và cao cấp trong khu vực doanh nghiệp. Nhóm này sẽ bắt đầu điều chỉnh từ năm 2020 và theo lộ trình dài (20-25 năm).
Cụ thể, mỗi năm, tuổi về hưu của nữ tăng 4 tháng, tuổi về hưu của nam tăng 1,5 tháng (2 năm tăng 3 tháng). Đến năm 2036, tuổi về hưu của nam sẽ đạt 62, của nữ sẽ đạt 60 và 2 giới sẽ bình đẳng tuổi về hưu năm 2044 (63 tuổi).
Các nhóm đối tượng khác có thể bắt đầu chậm hơn (ví dụ sẽ bắt đầu điều chỉnh vào năm 2025) và cũng theo lộ trình dài (20-25 năm).
Nhà nước, DN và xã hội cần có sự chuẩn bị tốt hơn để sử dụng LĐ cao tuổi, khuyến khích các cá nhân, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với năng lực, sức khỏe LĐ cao tuổi nhằm phát huy kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy trong quá trình LĐ.
Đối với bất kỳ quốc gia nào, việc tăng tuổi nghỉ hưu hết sức nhạy cảm. Vì vậy, cần thiết phải có thời gian để chuẩn bị về tâm lý đối với NLĐ và có lộ trình để không làm ảnh hưởng đến thị trường LĐ và DN.
Ngoài ra, công tác truyền thông cũng cần phải vào cuộc sớm và quyết liệt để mọi người đều hiểu rõ các lý do cần phải điều chỉnh, phương án điều chỉnh và các nhóm đối tượng bị tác động.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Báo Thanh niên