(BVPL) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải tới tháng 4, tháng 5 mới là đỉnh điểm của hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Để đối phó với tình trạng này, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm giảm tải những thiệt hại do thiên tai gây ra đối với người dân.
 


Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 3/2015, toàn khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 23 nghìn ha lúa phải dừng sản xuất và dự kiến sẽ có khoảng 47 nghìn ha phải dừng sản xuất trong thời gian tới. Tại khu vực Tây Nguyên, cũng đã có 2.350 ha đất lúa dừng sản xuất, 4.758 ha chuyển đổi sang cây trồng cạn, có 8.403 ha lúa, 40.137 ha cà phê bị hạn, 2.290 ha hồ tiêu bị thiếu nước, dự kiến đến giữa đỉnh hạn là tháng 4 sẽ có khoảng 170 nghìn ha bị hạn.  Tại đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn đang làm thiệt hại khoảng 209 nghìn ha diện tích lúa.

Trong số các giải pháp khắc phục, vừa qua Bộ NN&PTNT đã liên hệ với Trung Quốc và Lào để họ xả nước xuống sông Mêkong. Theo đó, tới ngày 4/4 nước có thể từ Trung Quốc, chậm hơn chút nữa là nước từ Lào sẽ về tới nơi.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho hay: không nên hy vọng quá nhiều vào nguồn nước này. “Vì nước chảy qua quãng đường nhiều km mới tới được Việt Nam nên nếu nước đạt lưu lượng 3.000 m3/giây may ra mới giải quyết được một phần của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục như hiện nay. Hiện Tổng Cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt họp bàn rất quyết liệt với các tỉnh làm sao mà tích trữ vào ao, hồ, kênh rạch, chum vại… một cách tối đa nguồn nước ít nhưng rất quý này”.

Theo ông Trung, nếu với lưu lượng nước như vậy từ đầu tháng 4 một số vùng sẽ có nước. Theo tính toán, khu vực được hưởng nguồn nước này chủ yếu nằm ở phía bờ Đông khu vực sông Cửu Long như: Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… còn khu vực bờ Tây như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu thì không được hưởng gì, hạn nặng nhất vẫn là tỉnh Kiên Giang.  

Ông Trung còn cho hay, Cục Trồng trọt đã đưa ra quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2016. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt cũng đang xây dựng một gói kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để khu vực này có thể thích ứng với biến đổi khí hậu cho những năm tiếp theo.

Sau khi Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn, trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ có quy hoạch, bố trí những cây trồng phù hợp. Nước biển dâng tới đâu, xâm nhập mặn tới đâu sẽ có những kịch bản đến đó.

Ông Trung cho rằng, cây lúa vẫn là cây trồng thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long, do vậy trọng tâm vẫn phải tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao hơn. Cục Trồng trọt đang kết hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu để đưa ra các giống lúa chịu mặn hơn. Với các loại cây dài ngày cũng phải tìm những loại cây trồng phù hợp.

Những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa nào chịu được sẽ quy hoạch nuôi tôm hoặc một vụ tôm với một vụ lúa… Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp kỹ thuật để hạn chế hạn mặn xâm nhập đối với cây trồng như: ủ gốc giữ ẩm, cắt tỉa cành để khỏi thoát hơi nước…

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và vụ mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa Hè Thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5 điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long” - ông Trung nói.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, người dân không nên xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa đang rất khan hiếm. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, bị xâm nhập mặn kiên quyết không gieo sạ, bắt buộc phải chờ mưa nhằm tránh những thiệt hại không đáng có.

Một giải pháp mềm nữa mà ngành Nông nghiệp đưa ra là, thay đổi cơ cấu giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, ngoài việc ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý làm sao cho phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn, kết hợp với các biện pháp canh tác, phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho lúa.


Và phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn mặn, trồng lúa kém hiệu quả, sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn mặn tốt, đồng thời điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.
 

Khánh Gia

.