Từ 1/3/2011, giá điện đã tăng 15,28%. Vậy mà cuối tuần trước, EVN lại đề nghị tăng giá điên "ngay lập tức" trong tháng 9. EVN vẫn đưa ra điệp khúc lỗ, thiếu vốn nhưng những nghịch lý cấp bách của ngành điện lại ít được nhắc tới.

Cách đây chừng 6 tháng, vào hồi đầu tháng 3 năm nay giá điện đã được điều chỉnh tăng 15,28%. Vậy mà mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị Bộ Công thương cho phép điều chỉnh giá bán điện, không phải đề nghị tăng theo lộ trình như trước đây mà là tăng ngay lập tức trong tháng 9.

Theo EVN thì việc tăng giá điện nhằm đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán phần bù lỗ năm 2010. Ngoài ra, việc tăng giá điện còn để đáp ứng tổng nhu cầu đầu tư của EVN đến năm 2015 dự kiến khoảng 832.000 tỷ đồng, trong đó, ngoài nguồn vốn huy động được từ nhiều nguồn khác nhau thì EVN đang còn thiếu khoảng 599.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp giao ban bộ Công thương tháng 8 diễn ngày 5.9 ở Hà Nội, các Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng (Vinacomin) đồng loạt thúc EVN sớm trả nợ. Hiện tại, EVN đang nợ Vinacomin khoảng 1.000 tỷ đồng và nợ PVN khoảng 5.000 tỷ đồng.

Có lẽ vì những lý do trên mà tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 vào ngày 4.7, lãnh đạo EVN tiếp tục than khó khăn về vốn và kêu gọi giúp đỡ. Tại cuộc họp này, Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho biết: "Thời gian tới, EVN đặc biệt khó khăn về vốn. Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương, cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn tài chính giúp EVN". Như vậy, đề xuất tăng giá điện từ EVN xuất phát từ 3 nguyên nhân chính. Đó là: lỗ, nợ và thiếu vốn.

 

EVN.jpg


Lâu nay, chúng ta thường được nhận thông tin báo cáo lỗ từ các tập đoàn, trong đó có EVN. Tuy nhiên lỗ như thế nào, các khoản chi phí ra làm sao, các nguồn nhân, vật lực đã được đầu tư, khai thác hiệu quả chưa... thì không thấy ai phân tích hay được biết đến. Tình trạng thua lỗ tại các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước không phải là chuyện mới. Đằng sau những con số thua lỗ này là do khó khăn khách quan, do năng lực quản lý yếu kém hay còn vì lý do nào khác vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, những thuận lợi vượt trội so với các thành phần kinh tế khác như nguồn vốn, nguồn lực về nhân sự, tài nguyên, thậm chí là sự ưu ái từ cơ chế, chính sách thì ít được nhắc đến.

Theo một phân tích trên TBKTSG hồi tháng 5/2011 thì giá mua bán điện giữa EVN và phía Trung Quốc hiện nay là 5.8 xu Mỹ/kWh, giá này đã bao gồm chi phí và thất thoát trong quá trình truyền tải, vẫn còn thấp hơn giá hiện nay là 1.242 đồng/kWh, tương đương khoảng 6 xu Mỹ/kWh. Trong khi đó thì phía Trung Quốc đang phải mua than để sản xuất điện theo giá quốc tế, cao hơn gấp 3 lần so với giá trong nước. Rõ ràng, giá điện sản xuất trong nước đang bị đẩy lên quá cao do những chi phí trung gian như chi phí đầu tư, vận hành, thất thoát, ... Như vậy nên chăng cần công khai cách tính giá thành và làm rõ những chi phí trước khi tăng giá một lần nữa?

Ngoài ra, ngành điện đang tồn tại nhiều nghịch lý. Ngoài những nghịch lý thuộc về cơ chế thì vẫn tồn tại nhiều nghịch lý và yếu kém trong công tác dự báo, quản lý điều hành. Mặc dù tình trạng thiếu điện trong nước vẫn xảy ra thường xuyên nhưng vẫn có nhiều thời điểm phải xuất ngược điện sang Trung Quốc. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp một số nhà máy sản xuất điện đã không bán được cho EVN.

Trong công tác quy hoạch phát triển thủy điện cũng chẳng có gì khá hơn. Các dự án thủy điện liên tục được cấp phép, tình trạng thi công ì ạch dẫn đến nguồn vốn bị phân tán. Trong khi đó, những nhà máy đã sẵn sàng phát điện thì cơ sở hạ tầng truyền dẫn lại chưa hoàn thiện... Như vậy nguyên nhân thiếu vốn như EVN đưa ra vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam luôn tỏ ra quá nhạy cảm với việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện. Tăng giá điện sẽ đồng nghĩa với hàng loạt các sản phẩm khác tăng giá theo, điều này cũng đồng nghĩa với việc EVN đẩy yếu tố lạm phát sang cho người dân, vấn đang rất khốn đốn vì giá. Chưa dừng lại ở đó. Nếu tăng giá điện vào lúc này không khác nào "đổ thêm dầu vào lửa", sẽ khiến những nỗ lực đối phó với lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao của Chính phủ càng khó khăn hơn.

Đề nghị tăng giá, mà là tăng ngay lập tức, có nghĩa là EVN đang thờ ơ với những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt. Tăng giá điện lúc này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải cắt giảm những khoảng chi tiêu khác, vốn đang rất eo hẹp, để bù vào giá điện và những mặt hàng khác tăng theo kiểu "té nước theo mưa". Trong khi những nghịch lý tràn lan của ngành điện thì không thấy một người có trách nhiệm nào của EVN nhắc tới, trong khi những nghịch lý này cũng cấp bách không kém.

 

Theo VNN