|
|
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường HĐND TPHCM sáng ngày 8/10. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo |
Ngày 8/10, HĐND TPHCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ mười (kỳ họp bất thường) để xem xét thông qua tờ trình của UBND thành phố về quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách TP trong năm 2018.
Kỳ họp đã xem xét tờ trình của UBND TPHCM về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện đề án chương trình Sữa học đường; về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng; xem xét một số tờ trình liên quan đến việc triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và một số nội dung khác.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được Đảng TP HCM quan tâm, ấp ủ qua nhiều nhiệm kỳ. Đây là công trình quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố, đồng thời cũng là sự mong mỏi, chờ đợi của nhân dân thành phố.
Công trình văn hóa xứng tầm đô thị lớn
Báo cáo trước HĐND TPHCM, Phó chủ tịch thành phố Lê Thanh Liêm cho hay, dự án nhà hát với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao.
Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này vì TPHCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Theo ô Liêm, trước đây vào thời Pháp thuộc, TPHCM có ba nhà hát, gồm nhà hát Opera (nay là Nhà hát Thành phố), nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện nay, chỉ Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các cơ sở khác xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành đã xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn quốc tế.
Do đó, việc thành phố đầu tư xây dựng dự án này sẽ góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị mang nét đặc trưng.
Phần lớn đại biểu tham dự kỳ họp nhất trí cao việc thông qua đề án xây dựng nhà hát, song còn băn khoăn về phương thức triển khai sao cho hiệu quả nhất.
Tán thành với đề xuất của UBND TPHCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) cho biết công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch được thành phố ấp ủ và cử tri trông đợi từ lâu. Đây là công trình nghệ thuật chuyên ngành đánh dấu điểm hút, điểm đến cho tương lai khi các nhà hát hiện có không đáp ứng được yêu cầu vì xuống cấp.
Ông Khuê cũng bày tỏ mong muốn thành phố cần có công trình phục vụ văn hóa nghệ thuật thứ hai là nhà hát cải lương vì TPHCM và khu vực phía Nam là cái nôi bộ môn này.
Trong khi đó, ông Trần Vương Thạch (Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch) nhìn nhận, thành phố đang thiếu nhà hát, các nhà hát hiện có đã cũ, quy mô nhỏ hoặc xuống cấp, không đủ phục vụ chương trình nghệ thuật tầm cỡ. Theo ông, nhà hát là điều kiện cơ sở vật chất có tính tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa và thiết chế văn hóa thành phố. Nếu có nhà hát đúng chuẩn, Việt Nam có thể thu hút các đoàn nghệ thuật giao hưởng lớn trên thế giới, giao lưu với quốc tế.
|
|
Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo |
Cẩn trọng “vết xe đổ” nhà hát Trần Hữu Trang
Bà Võ Thị Ngọc Thúy bày tỏ băn khoăn về mối tương quan giữa quy mô và công năng của nhà hát. “Nếu nhà hát hướng đến mục tiêu văn hóa, xã hội thì kiến trúc và mỹ thuật là quan trọng nhất. Còn xét tác động phát triển của du lịch, giá trị kinh tế thì cần xem xét nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ và nhà hát Thành phố 400 chỗ đã sử dụng hết công suất hay chưa, nhà hát mới này có điểm gì khác và mới hơn?”, bà Thúy bày tỏ.
Báo cáo giải trình về đề án nhà hát, ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM) cho biết Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch chia nhỏ tới ba địa điểm, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn.
Việc đào tạo vũ kịch hiện cũng được mời nhiều chuyên gia nhưng thiếu cơ sở đào tạo đúng chuẩn nên hiệu quả không cao. Hiện nay, nhà hát vũ kịch có năng lực biểu diễn nhiều vở diễn quốc tế lẫn trong nước nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng được.
Cũng theo ông Nhân, việc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ở quận 1 xây dựng xong không phù hợp với bộ môn cải lương là bài học của ngành văn hóa của thành phố. Do đó, với công trình nhà hát mới này, cần có phương án đầu tư xây dựng, kiến trúc hợp lý, giám sát chặt chẽ. “Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế, mời những chuyên gia giỏi về kiến trúc lẫn nghệ thuật vào hội đồng thi tuyển thiết kế nhà hát”, ông Nhân khẳng định.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng sự việc tại Nhà hát Trần Hữu Trang là bài học của HĐND TPHCM khi thông qua chủ trương đầu tư nhưng giám sát không tốt, xây dựng rồi lại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo bà Tâm, thành phố rất quan tâm đến cải lương, tạo điều kiện xây dựng sân khấu để phát huy nghệ thuật truyền thống nhưng chưa làm được. Trong tương lai, thành phố sẽ chủ trương xây dựng nhà hát cải lương đúng tầm.
Cuối kỳ họp, 100% đại biểu HĐND nhất trí thông qua đề án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, thuộc hạng mục dự án đầu tư công nhóm A.
Chinhphu.vn