Thông tin liên quan tới việc bắt ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông của Ngân hàng ACB đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào ngày “đen tối” nhất kể từ trước đến nay.

 

 
Cổ phiếu ACB giảm sàn 1.800 đồng
 
Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, ngay sau khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt được công khai trên mặt báo, ở cả hai sàn giao dịch, chỉ số giảm điểm mạnh với mức giảm trung bình 5% cùng với thanh khoản tăng đột biến. Đây được đánh giá là phiên có tỷ lệ giảm điểm mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu ACB giảm sàn, mất 1.800 đồng/CP, tương ứng giảm 6,9% xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch buổi sáng, bên sàn HoSE, chỉ số Vn-Index mất 20,72 điểm (tương đương giảm 4,74%) xuống còn 416,56 điểm. Như vậy, chỉ sau một phiên giao dịch này, thành quả của 6 phiên nỗ lực tăng liên tục trước đó đã bị xóa sạch. Tương tự, HNX - Index đóng cửa phiên sáng giảm 3,76 điểm (tương đương giảm 5,32%) xuống còn 66,89 điểm.
 
Nhiều nhà đầu tư cho biết, tâm lý hoang mang, lo sợ và thậm chí là tháo chạy đã chi phối hầu hết giới đầu tư chứng khoán sáng nay, mà nguyên nhân chính là do thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt. Sau ít phút đầu giao dịch cầm chừng, Vn – Index bắt đầu lao dốc nhanh chóng. Không chỉ các cổ phiếu nhỏ mà ngay cả các blue-chips như EIB, CTG, VCB, STB… cũng giảm mạnh và bị bán không “thương tiếc” với nhiều mức giá rẻ bất ngờ, khiến hầu hết các cổ phiếu trên sàn trượt dốc tự do. Vn – Index càng về cuối phiên càng mất điểm mạnh. Cả 30 mã thuộc VN30 giảm giá trong đó 27 mã giảm sàn. Sàn HoSe sáng nay có 9 mã tăng giá, duy nhất 1 mã tăng trần là RIC nhưng KGLD thấp và dư mua cũng chỉ ở giá sàn, có 248 mã giảm giá (198 mã giảm sàn).
 
Tuy cũng có một số cổ phiếu tăng giá, thậm chí là tăng trần nhưng điều này rất hiếm hoi. Bên cạnh đó, hoạt động bắt đáy cũng đem lại một phiên giao dịch khá sôi động, nhưng cũng chỉ là trong nửa đầu phiên. Trên sàn Hà Nội, 30 mã thuộc HNX30 giảm giá đồng loạt trong đó 24 mã giảm sàn.
 
Theo báo cáo, tính đến ngày 26/1/2010, ông Kiên đang nắm giữ 35.167.245 cổ phiếu ACB, tương đương 3,75%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB: “Ông Kiên là cổ đông sáng lập của ACB, nhưng hiện tại số lượng cổ phần do ông nắm giữ không đến 5%, vì vậy không phải là cổ đông lớn. Ông Kiên cũng không nằm trong hội đồng quản trị hay ban giám đốc ACB nên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng”. “ACB không có nhiệm vụ phải công bố thông tin vì đây không phải là cổ đông lớn và ông Kiên ngoài có cổ phần tại ACB còn có cổ phần ở nhiều ngân hàng khác như Kienlongbank, Eximbank, Đại Á, Vietbank…nên không thể chỉ nói đến ACB trong mối quan hệ với ông Kiên”, ông Toại nói.
 
Đánh giá về việc giá cổ phiếu ACB sụt giảm mạnh, ông Toại cho rằng: “Trước những thông tin như vậy thì việc giảm giá cũng là tín hiệu bình thường của thị trường. Những người lo sợ thì sẽ bán ra, nhưng cũng không loại trừ việc những người cho rằng đây là cơ hội sẽ tranh thủ để mua vào”.
 
Bầu Kiên từng giữ vị trí chủ chốt ở nhiều doanh nghiệp
 
Được biết, năm 1980, ông Kiên thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15. Sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn đi du học tại Hungary.
Năm 1986, bầu Kiên về nước và làm cán bộ của Tổng công ty dệt may (Bộ Thương mại). Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên khi đó mới 30 tuổi đã trở đã cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang xây dựng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), sau đó là phó chủ tịch Hội Đồng quản trị trước khi chuyển thành phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên và ba em của ông nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Kiên, nắm giữ 4,11%.
 
Tại lễ tổng kết của VFF, ông Kiên còn cho biết mình là cổ đông chính của Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt nam (Eximbank). Thậm chí, giới đầu tư còn bàn tán ông Kiên là nhân vật chính đã đứng ra dàn xếp cho một số cổ đông mua  hơn 45% cổ phần Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
 
Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, bầu Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc…Ông đã từng là chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và phó chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam. Trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Đức Kiên Kiên có “ghế” trong hội đồng quản trị của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và CTCP Du lịch Thiên Minh. Công ty Thiên Minh đầu năm nay được biết đến nhiều với thương vụ chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria.
 
Tổng kết lại, không ít người sẽ chóng mặt với bản lý lịch và những nơi ông Nguyễn Đức Kiên đã làm việc: Từ năm 1994 đến 2006: Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu; chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; phó chủ tịch kiêm chủ tịch Công ty liên doanh KFC Việt Nam; phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh…
 
Tài sản gia đình bầu Kiên “bốc hơi” 164 tỷ đồng
 
Năm 2010, trong bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của ông Kiên được đánh giá là 805 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu ACB mà gia đình ông Kiên nắm giữ tính tới cuối 2010 đạt giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng (đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán), trong khi năm 2010 là gần 805,9 tỉ đồng.
 
Được biết, trong ngày “đen tối” của chứng khoán Việt Nam, tài sản nhà bầu Kiên "bốc hơi" hơn 164 tỷ đồng do ACB giảm kịch biên chỉ trong một ngày, trong đó ông Kiên mất 63 tỷ đồng, các thành viên khác trong gia đình bị hao hụt  lên đến 100,9 tỷ đồng. Được biết, ngoài ACB, ông Kiên còn đầu tư vào nhiều tổ chức khác. Do vậy, trong bối cảnh thị trường lao dốc vừa qua, lượng tài sản hao hụt của bầu Kiên không chỉ dừng lại ở con số trên.
 
Nguoiduatin
.