Cần cơ chế đột phá
Cập nhật lúc 23:18, Thứ tư, 12/03/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Năm 1979, Việt Nam đã từng có đặc khu kinh tế mang tên “Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo”. Nhưng sau hơn 12 năm tồn tại, đến năm 1991, đặc khu này được giải tán để thành lập tỉnh mới Bà Rịa - Vũng Tàu. Việt Nam cũng đã xây dựng hơn 15 khu kinh tế ven biển, tuy nhiên những đóng góp cho nền kinh tế vẫn không nhiều và sức lan tỏa không cao. Một mô hình kinh tế mới vừa được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm ở 3 địa điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Đây hứa hẹn là những khu vực kinh tế năng động nhất, tự do nhất với nhiều ưu đãi nổi trội nhất.
Điểm đặc biệt nhất trong dự thảo Đề án này là xây dựng mô hình tổ chức chính quyền của đặc khu hành chính, kinh tế Phú Quốc có hai cấp: Cấp đặc khu và cấp phường.Theo đó, chính quyền Đặc khu hành chính kinh tế Phú Quốc là cấp chính quyền hoàn chỉnh. Có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền phường là cấp chính quyền không hoàn chỉnh. Chỉ có ủy ban hành chính với tính chất là đại diện cho cơ quan hành chính Đặc khu. Theo mô hình này, đại biểu Hội đồng nhân dân Đặc khu hành chính, kinh tế Phú Quốc có thể làm việc trong các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, hạn chế tối đa đại biểu trong các cơ quan hành chính các cấp, hướng tới một chính quyền tinh gọn.
Mô hình phát triển này sẽ là nơi thử nghiệm đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, biện pháp thu hút nguồn vốn FDI, từng bước nhân rộng mô hình kinh tế hướng ngoại của các vùng, miền. Đồng thời, tạo luận cứ thực tiễn, đề xuất phương án khả thi đóng góp vào quá trình cải cách hành chính Nhà nước và hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương. Đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc cho biết, từ nay đến năm 2020, Phú Quốc sẽ được phê duyệt trở thành đô thị loại 2 trước khi trở thành một Đặc khu hành chính, kinh tế đầu tiên trong cả nước.
Nhìn ra thế giới
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình kinh tế này. Và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam học tập và rút ra những kinh nghiệm tốt khi tiến hành thí điểm.
Từ một làng chài nhỏ, Thâm Quyến đã trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu và một đô thị lớn ở Trung Quốc. Trong những năm qua, đặc khu kinh tế này luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình gần 26%/năm. Nó đã hoàn thành sứ mệnh chính trị lịch sử khi đem lại cho Trung Quốc sự tin tưởng chắc chắn vào thành công của cải cách và mở cửa kinh tế, cũng như cách thức vận hành quá trình cải cách và mở cửa như thế nào ở những nơi khác và trên phạm vi toàn quốc. Thành công của Đặc khu kinh tế Thâm Quyến còn dẫn dắt Trung Quốc đến với chủ trương “một nhà nước, hai hệ thống” áp dụng cho Hồng Kông.
Dubai xưa vốn là một làng chài nhỏ, những hoạt động của dân chúng vùng này trước đây chủ yếu là chăn nuôi cừu, dê, trồng chà là, đánh cá và mò ngọc trai. Ngày nay, Dubai được coi là một ốc đảo phồn vinh của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và có nền chính trị ổn định kể từ khi thành lập. Với chính sách tự do về kinh tế, Dubai đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững và hiện là thành phố có thể chế thương mại tự do nhất ở vùng Vịnh, là trung tâm nhập khẩu và tái xuất khẩu của tất cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới.
Liệu Việt Nam có thể gặt hái được những thành công từ mô hình kinh tế này hay không? Sự vượt trội về thể chế ở mô hình này như thế nào?... vẫn phải chờ sự quyết định chính thức trong công tác xây dựng Luật Đặc khu hành chính kinh tế. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc càng chậm triển khai mô hình đặc khu hành chính, kinh tế bao nhiêu thì cơ hội thành công càng bị thu hẹp bấy nhiêu, khi Việt Nam đang dần mở rộng hơn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Mai Hòa
.