Toàn quốc phát hiện 22.814 vụ trong năm 2019

Theo Bộ Công an cho biết, trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Theo đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. 

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, tổ chức nhiều vụ xét xử lưu động, góp phần quan trọng trong giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm ma túy.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy đã xuất hiện nhưng chưa có quy định để điều chỉnh, một số nội dung, quy định của Luật Phòng, chống ma túy đã lạc hậu so với thực tiễn.

Cùng với đó, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy gia tăng theo từng năm. Năm 2008 toàn quốc phát hiện, bắt giữ 12.850 vụ; 20.268 đối tượng; thu 156,163 kg heroin; 18,796 kg thuốc phiện; 8 tấn cần sa (vụ bắt 5 đối tượng người Trung Quốc); 27,95 kg và 44.054 viên ma túy tổng hợp; năm 2019 toàn quốc phát hiện 22.814 vụ (tăng 77% so với năm 2008); 35.151 đối tượng (tăng 73%); thu giữ 1.494,29 kg heroin (tăng 857%); 5.500,55 kg (tăng 19.580%) và 987.913 viên ma túy tổng hợp; 585,99 kg cần sa; 120,54 kg cocain cùng nhiều phương tiện, tài sản khác. 

Trung bình trong 5 năm gần đây cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để hoạt động với thủ đoạn tinh vi, tự trang bị vũ khí nóng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. 

leftcenterrightdel
 Các đối tượng bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. (Ảnh minh hoạ)

Tại một số địa bàn biên giới, hình thành các toán, nhóm vũ trang vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới vào trong nội địa. Tội phạm ma túy trong nước tổ chức, câu kết với các đối tượng người nước ngoài ngày càng chặt chẽ, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu sinh sống ở nước ngoài. Chúng lợi dụng triệt để các chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển kinh tế để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam sau đó vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. 

Sửa Luật Phòng, chống ma tuý là cần thiết

Theo Bộ Công an, trước tình hình tội phạm ma túy rất phức tạp như trên, nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) còn thiếu hành lang pháp lý tạo cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, chưa có cơ chế đặc thù để tăng cường nguồn lực cho lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Việc theo dõi chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập. Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó rất khó kiểm soát đến khâu cuối cùng. 

Tính đến nay cả nước có 44 vụ sản xuất trái phép chất ma túy, trong đó có một vụ sản xuất heroin, 43 vụ sản xuất ma túy tổng hợp, có 15 vụ sản xuất ma túy tổng hợp bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược (chiếm 35%).

Tình hình số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160%) trong khi công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ở cộng đồng chưa được đào tạo chuyên sâu; công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp.

Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất ở các cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống.

Tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị xử lý hình sự. 

Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán Bar, nhà hàng... đã tác động không nhỏ tới việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy nhất là sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá", ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận Nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội của các đối tượng này nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mực. 

Cùng với đó, với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện nay chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, do vậy chưa đủ sức răn đe.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy.

Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, Bộ Công an vừa tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều. Mục đích sửa Luật nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Mở rộng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

P.V