Mong muốn một người phải làm được nhiều việc

Ông Đệ chia sẻ: “Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài viết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, quyết tâm đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu… Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 2024.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả nổi bật, Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, trong đó nhấn mạnh đến các “điểm nghẽn” về thể chế. Tôi xin bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các quan điểm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tháo gỡ những “điểm nghẽn“ về thể chế qua các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư Tô Lâm. Bằng tâm huyết, trách nghiệm, qua những trải nghiệm, nghiên cứu của mình, tôi xin gửi đến đồng chí Tổng Bí thư những đề xuất, kiến nghị hết sức tâm huyết:

Trước hết, về tinh gọn tổ chức bộ máy, trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư chỉ rõ, nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết, bởi hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển. Đây là một con số đáng báo động, thể hiện việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy hành chính của chúng ta chưa thực sự hiệu quả, hiệu lực và cần tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại cho phù hợp.

Năm 2017, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, tôi từng thẳng thắn phát biểu chúng ta đang thừa khoảng 50% cán bộ, công chức, viên chức. Tình trạng cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, nhiều người thích ngồi “bói chữ”, “chẻ chữ” hơn là làm việc, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Phát biểu của tôi tạo ra 2 luồng dư luận khác nhau, có người ủng hộ nhưng cũng có người phản đối. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn những năm qua, có thể thấy, bộ máy hành chính của chúng ta đang quá cồng kềnh, đúng như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, người dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Để Nghị quyết số 18-NQ/TW đi vào cuộc sống, có hiệu quả, đầu tiên phải giảm số lượng con người, một người phải làm nhiều việc, cần thiết tăng lương cho người đó. Yếu tố quan trọng của chủ trương sáp nhập là để tinh giản, tuy nhiên cần có chiến lược thực hiện bài bản, minh bạch và chú ý đến yếu tố con người để tránh gây mất cân bằng hoặc mâu thuẫn nội bộ. Thực tế, nhiều đầu mối sẽ dẫn đến tình trạng chia việc làm, chia quyền lực mà công việc lại không có hiệu quả, cuối cùng người dân, doanh nghiệp phải hứng chịu; tránh tình trạng một văn bản phải xin nhiều cơ quan, thậm chí có cả những cơ quan không có chức năng liên quan...

Ngoài ra, cần phân định rõ vai trò lãnh đạo và quản lý. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc vận hành cơ chế giữa “lãnh đạo” với “quản lý” còn chồng chéo, trùng lặp, “lấn sân”; chức năng nhiệm vụ bị hiểu sai, thực hiện chưa đúng. Quan điểm lãnh đạo toàn diện, trực tiếp đôi lúc bị lạm dụng trở thành những việc làm, hành động mang tính áp đặt, tiểu tiết, vụn vặt, dễ nảy sinh tình trạng cấp ủy làm thay việc của chính quyền…

Ví dụ: Hiện nay, một số địa phương quy định rất nhiều công việc phải thông qua thường trực, thường vụ, xin ý kiến các Ủy viên UBND…dẫn đến thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí. Nhiều việc phải xin ý kiến “3 trực” mới có thể thực hiện. Trong khi thực tế, có nhiều việc quy định đã rõ, cơ quan chuyên môn của chính quyền có thể quyết định ngay. Điều này nảy sinh tư tưởng “chịu trách nhiệm tập thể”, không dám làm, dám chịu trách nhiệm của các “cá nhân phụ trách”. 

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Đệ có nhiều kiến nghị liên quan đến việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" thể chế, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, hân hoan bước vào kỷ nguyên mới

Việc tinh gọn bộ máy chắc chắn chỉ có lợi cho Nhà nước, dân và doanh nghiệp. Rõ ràng, với Nhà nước, sẽ giảm quỹ lương và chi phí vận hành, cơ sở hạ tầng…; “để dành” nguồn lực cho tái đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu. Với doanh nghiệp, sẽ được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh minh bạch hơn, với ít thủ tục hành chính rườm rà. Họ có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và rõ ràng, giảm thiểu chi phí gián tiếp do sự trì trệ của bộ máy hành chính gây ra. Còn người dân thì tiết kiệm thời gian và chi phí khi tiếp cận các dịch vụ công. Đây là một chiến lược quan trọng không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí nguồn lực mà còn tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm, và năng suất làm việc. Hơn lúc nào hết, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhận được sự kỳ vọng, hân hoan và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp; giúp chúng tôi có niềm tin bước vào kỷ nguyên mới.

Bên cạnh đó, liên quan đến chủ đề nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, ông Đệ đưa ra quan điểm: Cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách Hiện nay, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách mới đạt tỷ lệ 38,6%, đại biểu HĐND chuyên trách có tỷ lệ thấp hơn, khoảng 25%. Do phải đảm bảo cơ cấu về giới, ngành, lĩnh vực, dân tộc, tôn giáo, người ngoài Đảng, độ tuổi…nhằm đảm bảo cơ quan dân cử mang tính đại diện cho tiếng nói cử tri thuộc nhiều thành phần xã hội nên từ trước đến nay số lượng đại biểu chuyên trách, chuyên sâu bị hạn chế. Điều này khiến cho chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, HĐND bị ảnh hưởng.

Do đó, từ nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND tới đây, tôi đề nghị tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách lên trên 60%, hướng tới đại đa số các đại biểu QH hoạt động chuyên trách, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động của cơ quan lập pháp. Cùng với đó, hạn chế bớt số lượng các Đại biểu Quốc hội, HĐND ở các cơ quan hành pháp để đảm bảo tính độc lập của cơ quan lập pháp trong xây dựng chính sách và thực hiện chức năng giám sát…Trong nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND 2026-2031, cần quy định các ứng viên không ứng cử, bầu cử tại địa phương nơi là nguyên quán hoặc sinh quán áp dụng đối với đại biểu Trung ương về ứng cử, bầu cử tại tỉnh và đại biểu tỉnh về huyện.

Về vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng: Hiện nay trong các văn kiện của Đảng, vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân ngày càng được coi trọng. Mới nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước."

Vì vậy, tôi đề nghị, trong văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cần bổ sung đội ngũ doanh nhân vào nền tảng liên minh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành: liên minh công nhân – nông dân – trí thức – doanh nhân (gọi tắt là công – nông – trí - doanh). Điều này phù hợp với thực tiễn về các giai tầng xã hội Việt Nam hiện nay, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết của dân tộc."

Đinh Huê ( lược ghi )