Tham nhũng làm xói mòn lòng tin của nhân dân 

Với mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn coi đây là cuộc chiến “một mất một còn”, phải có bản lĩnh cách mạng vững vàng để đấu tranh với chính mình, vượt qua chính mình và phải vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ tình cảm, danh vọng, vật chất…

Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định:  “Chúng ta có quyền phấn khởi, tự hào, vui mừng trước những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được trong thời gian qua. Nhưng tuyệt đối không được chủ quan thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế mà phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác…”. Bởi vậy, cuộc đấu tranh PCTN có tính chất và ý nghĩa quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như sự sống còn của chế độ XHCN mà Đảng ta đang lãnh đạo cùng Nhân dân ta phấn đấu, xây dựng… 

leftcenterrightdel
 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Chinhphu.vn

Mở đầu cuốn “Đường Kách mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề cao “Tư cách một người cách mạng”. Người nhấn mạnh “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (tỉnh Nghệ An, ngày 17/9/1945), Bác viết: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…”. Bác coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp.

Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chủ tịch nói rõ: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình...”… “Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Chúng ta từng biết, năm 1950, vào ngày 5/9, tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ.

Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Sự việc được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Người đã cân nhắc kỹ và quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu.

leftcenterrightdel
Mùa Xuân mới, niềm vui mới. Ảnh: Hữu Công  
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ... Trong khi “chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám”. Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này (tức nạn tham ô) khó khăn, phức tạp hơn ngay cả so với đánh giặc ngoại xâm. 

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”.

Bác căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”… “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”.

Chỉ rõ “Một bộ phận không nhỏ”

Thực hiện lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng Đảng, Đảng ta luôn coi trọng việc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ, coi đó như một nhiệm vụ xuyên suốt, sống còn.

Hiện nay, nhiệm vụ đó đang trở thành cao trào với quyết tâm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có phương thức lãnh đạo khoa học.

Những mục tiêu mà Đảng ta đề ra, đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong thực tiễn xây dựng Đảng. Theo đó, những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kì Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, rất nhiều cán bộ, đảng viên các cấp, trong đó có không ít những đảng viên có vị trí chức, quyền cao đã bị xử lí… 

leftcenterrightdel
Xuân mang an vui đến mọi nhà. Ảnh: CTV 

Điều đặc biệt ở các vụ “đại án” tham nhũng không chỉ là đã đưa ra truy tố, xét xử những người từng giữ những chức vụ rất cao với những mức án nghiêm khắc mà còn là làm rõ được đúng bản chất “tham nhũng”. Như lời của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát, đó là qua vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) có 6 điểm nhấn rút ra. Trong đó, “chúng ta đã thấy rõ được “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất”. Trước đây chúng ta đặt câu hỏi “một bộ phận không nhỏ” là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao”…

Bên cạnh đó, nhiều tài sản do tham nhũng mà có đã được các cơ quan chức năng thu hồi, có vụ tài sản tham nhũng được thu hồi triệt để, trong đó có vai trò và sự tác động rất quan trọng của VKS. Qua đó, các cơ quan chức năng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quí trong tiến trình của cuộc đấu tranh PCTN.

“Tuyên chiến” với tham nhũng, tiêu cực

Xác định mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ công chức kỉ cương, liêm chính…  Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…”. "Không ai thích thú gì kỷ luật. Kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, ai nhúng chàm thì sửa đi" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cảnh tỉnh.

Với thái độ cầu thị, nếu có sai, thấy sai và biết sửa sai để khắc phục, tiến bộ, trên tinh thần xây dựng, chống để xây, để hoàn thiện và phát triển… Vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Nhân dân tin yêu Đảng, Nhân dân sẽ bảo vệ Đảng, cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện những mục tiêu, lý tưởng mà Đảng đã đề ra. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân đã bước sang năm thứ 60 trong lịch sử xây dựng và phát triển, với bề dày cống hiến, đóng góp vào thành tựu chung qua các thời kì cách mạng của dân tộc. Uy tín, vị thế của Viện Kiểm sát trong hệ thống chính trị từng bước được khẳng định và ngày càng được nâng cao, được Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ.

Với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; với bản lĩnh, trí tuệ, với quyết tâm chính trị, với sự đoàn kết, thống nhất, toàn ngành Kiểm sát tiếp tục cùng phấn đấu và tin tưởng sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Toàn ngành Kiểm sát luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, xứng đáng với trọng trách và niềm tin được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. 

Công việc của chúng ta phải hằng ngày, hằng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, thậm chí là cả người thân của mình; phải đấu tranh với những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ. Song, Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ Kiểm sát sẽ vượt qua những thách thức đó, xứng đáng với lời Bác đã dạy “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.

(Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng  tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành kiểm sát nhân dân)


H.C