Sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cùng tham gia buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi làm việc.

Báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác Trung ương về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 9,92%; trong đó, năm 2024 ước đạt 11,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 318.752 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD, gấp 1,52 lần năm 2020.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh chủ trì buổi làm việc.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2024) ước đạt 4,05%. Ước đến hết năm 2024, có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông nông thôn (NTM), 377/465 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 116 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 548 sản phẩm OCOP được công nhận.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2021- 2024) ước đạt 16,45%. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021- 2024 ước đạt 189.588 tỉ đồng; trong đó, riêng năm 2024 ước đạt 54.341 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay...

Văn hoá, xã hội chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đới sống Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Báo cáo với Chủ tịch nước về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước. Để hoàn thành mục tiêu này, Thanh Hóa đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị được xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại huyện Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 (tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) với chiều dài 109km, tổng kinh phí khoảng 16.500 tỉ đồng… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị tỉnh Thanh Hóa phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội mới, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế; chủ động ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém; huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công...

leftcenterrightdel
Đoàn công tác dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ: Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng; có dân số đông, diện tích rộng, hội tụ đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng", nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là “vùng đất phên dậu”, “vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, nơi khởi nguồn của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng dựng nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hoá luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Đây được xem là “chìa khóa" quan trọng, là tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch nước khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực và đời sống của Nhân dân, nhưng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Thanh Hoá cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 đưa Thanh Hóa trở thành “Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ Logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”, đến năm 2045 là “Tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của tỉnh; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc.

leftcenterrightdel
Chủ tịch nước Lương Cường tặng quà cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trọng tâm là nghiên cứu xây dựng những định hướng lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới; đồng thời, làm tốt công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp với tinh thần nghiêm túc, thận trọng, khách quan, kiên quyết không để lọt vào khóa mới những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Xuân Sơn - Tuấn Anh