|
|
Chủ tọa điều hành Kỳ họp. |
Tại phiên họp, ông Trần Chí Cường, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Trần Chí Cường sinh năm 1973, quê quán tại quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng); là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, trình độ Cao cấp Lý luận chính trị. Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Sở Du lịch; Trưởng Ban Kinh tế ngân sách - HĐND thành phố khóa IX; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố khóa XV.
HĐND thành phố Đà Nẵng đã bầu bổ sung bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Tư pháp là Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026; bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với bà Võ Thị Như Hoa, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố đối với bà Ngô Thị Kim Yến do có đơn xin thôi công tác.
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 19/7, các đại biểu HĐND đã nêu ý kiến về: tình trạng các chung cư xuống cấp nghiêm trọng, tiến độ triển khai nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn…
Theo đại biểu Vũ Quang Hùng (quận Hải Châu), từ năm 2017, Sở Xây dựng đã báo cáo các khu chung cư Thuận Phước (288 hộ dân), chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (72 hộ dân) sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2020. Các khu chung cư này có chất lượng kém do sử dụng đã hơn 20 năm, suất đầu tư thấp, quy mô nhỏ từ 3 - 5 tầng, thiếu sự duy tu, bảo dưỡng. Các chung cư trên đã xuống cấp nghiêm trọng, bị lún nứt, thấm dột, gây mất an toàn cho người dân đang sinh sống... Đại biểu đề nghị UBND thành phố sớm lập dự án mới, làm quy hoạch chi tiết, phê duyệt phương án đền bù giải tỏa, tái định cư cho các hộ dân sống trong những chung cư này.
|
|
Ông Trần Chí Cường, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, được HĐND thành phố Đà Nẵng bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho biết, các chung cư trên đã xuống cấp, khung chịu lực kết cấu hiện không đáp ứng được yêu cầu. UBND thành phố đã giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị thành phố làm chủ đầu tư và kêu gọi đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách. Về phương án trước mắt, thành phố đã có phương án thuê lại các căn hộ tại các chung cư nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố để thực hiện việc di dời người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Phượng và Võ Tín đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn thông tin rõ tiến độ triển khai Dự án Nhà máy xử lý rác quy mô 1.000 tấn/ngày và Nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày, trong bối cảnh các hộc chôn lấp rác đang dần quá tải.
Về nội dung này, Giám đốc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Dự án Nhà máy xử lý rác 650 tấn/ngày hình thành từ năm 2010, đến năm 2014 mới phê duyệt chủ trương lần 2 và năm 2016 điều chỉnh giãn tiến độ dự án. Dự án kéo dài, qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều thủ tục. Dự án Nhà máy rác 1.000 tấn/ngày đã hình thành từ năm 2017, lúc đầu sử dụng nguồn vốn ADB, quy mô 5,3 ha. Đến năm 2019, Thủ tướng có điều chỉnh liên quan đến danh mục công trình đối với dự án PPP, trong đó có danh mục dự này. Hiện nay, hồ sơ sự án đang trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Nhà đầu tư đã cam kết sau khi hoàn thành tủ tục, có quyết định đầu tư sẽ hoàn thành dự án trong 20 tháng.