Vợ sinh con, chồng được nghỉ 5-7 ngày
Cập nhật lúc 09:49, Thứ hai, 23/09/2013 (GMT+7)
Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh thường được nghỉ việc 5 ngày, vợ sinh mổ được nghỉ 7 ngày. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh thường được nghỉ việc 5 ngày, vợ sinh mổ được nghỉ 7 ngày.
Đối với trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.
Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc, tối đa là hai mươi ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi, tối đa là mười lăm ngày làm việc nếu con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.
Trước đó, thảo luận về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi ngày, đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng, phải tính đến việc cho chồng nghỉ chăm sóc vợ đẻ vì hiện nhiều nước có quy định này.
Theo ông Thảo, khi vợ sắp đẻ chồng đã phải lo tìm kiếm osin với tiền công tối thiểu 3 triệu đồng một tháng, chưa kể tiền ăn trong khi nhiều ông bố trẻ mới ra trường, thu nhập chưa cao. "Thà quy định cho nghỉ trong vòng một tháng còn hơn là không quy định khiến người ta phải xin nghỉ, rồi có khi trốn việc để chăm vợ và bị kiểm điểm", đại biểu này chia sẻ.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị phải bổ sung quy định chồng được nghỉ khi vợ sinh con vào dự án bộ Luật lao động sửa đổi và khi hai vợ chồng nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi thì chồng cũng phải được nghỉ bởi Luật bình đẳng giới quy định điều này.
Theo dự kiến, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 giữa năm 2014, thông qua cuối năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Theo VnExpress