Từ hôm nay, phạt đến 18 triệu đồng tài xế có hơi men
Cập nhật lúc 21:39, Thứ bảy, 06/08/2016 (GMT+7)
Nghị định 46 với mục tiêu siết chặt chế tài và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8). Theo đó, người điều khiển ô tô uống rượu bia bị phạt cao nhất tới 18.000.000 đồng, vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu, phạt 64 triệu đồng xe chở quá tải… (Nghị định 46, tài xế, quy định, vi phạm giao thông)
Nghị định 46 với mục tiêu siết chặt chế tài và tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8). Theo đó, người điều khiển ô tô uống rượu bia bị phạt cao nhất tới 18.000.000 đồng, vượt đèn vàng bị phạt tới 2 triệu, phạt 64 triệu đồng xe chở quá tải…
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt Chính phủ được ban hành thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014. Nhiều mức phạt “không thương tiếc” các vi phạm giao thông được quy định cụ thể.
Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 4-6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng.
|
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế tại TPHCM. (Ảnh: Trung Kiên) |
Theo Nghị định này, ô tô khi tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền dao động từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt ở mức phạt 60.000-80.000 đồng. Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng số tiền phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân, từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.
Mức phạt cao nhất đối với lái xe khi chở quá tải trên 150% là từ 8 - 12 triệu đồng, ngoài ra bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.
|
Các mức phạt vi phạm giao thông chính thức tăng nặng từ 1/8 |
Tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể: Tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX ) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX ) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Với Nghị định số 171trước đó thì hành vi vi phạm về chất ma túy chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.
Nghị định 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.
Nghị định quy định xử phạt từ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng với hành vi bấm còi xe trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe…
Theo Dân trí
.