Thông tư 133/2014/ TT –BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp Quỹ bảo trì đường bộ đã miễn, giảm phí cho các loại xe kinh doanh vận tải như xe buýt, rơ - moóc và các xe tạm dừng không lưu hành bắt đầu áp dụng từ ngày 1/11/2014. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các HTX ô tô trong tỉnh được giảm bớt khó khăn.

 


Bây giờ, theo thông tư mới là bỏ thu phí đối với rơ - moóc và sơmi rơ-moóc, đơn cử một chiếc xe tải loại 30 tấn thuộc diện miễn phí đường bộ sẽ không còn phải nộp 12.480.000 đồng/năm nữa. Bên cạnh đó, xe buýt - loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến hiện nay đã được giảm mức phí bằng cách đưa về mức tương đương với  ô tô dưới 9 chỗ, dù thực tế xe có 40-50 chỗ, có nghĩa mỗi năm chủ phương tiện chỉ đóng 2,160 triệu đồng thay vì đóng 7,080 triệu đồng như trước. Điều này giúp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các HTX ô tô trong tỉnh giảm bớt khó khăn trong lúc này.

Mừng đó nhưng lo

Sau bao nhiêu biến động xã viên rút xe ra khỏi HTX, đến thời điểm này HTX Vận tải ô tô Phan Thiết có 120 xe container, 24 xe buýt… Đây là 2 đối tượng được miễn, giảm phí đường bộ nên theo HTX Vận tải ô tô Phan Thiết, việc kinh doanh trong thời gian tới sẽ bớt khó khăn hơn. Việc mở rộng kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đáng lo là phí cầu đường đang có hướng tăng quá cao, dự kiến tăng 200% so với mức cũ và các trạm thu phí mọc lên nhiều sau khi quốc lộ 1A mở rộng, nâng cấp xong. Từ Phan Thiết vào TP. Hồ Chí Minh hiện có 3 trạm thu phí, sắp tới có thêm một trạm khác tại cầu Đồng Nai. Sự thay đổi này khiến việc kinh doanh của HTX cần phải tính toán lại, vì đã báo hiệu khó khăn mới.

Chuyện phí chồng phí trong giao thông đã gây xôn xao dư luận thời gian qua, vì vừa phải đóng phí đường bộ, vừa mua phí cầu đường khi qua các trạm thu phí trên các tuyến đường. Chuyện càng xôn xao khi quốc lộ 1A được mở rộng, nâng cấp với khoảng 1.000km/1.700km toàn tuyến được đầu tư theo hình thức BOT và theo ngành chức năng, các trạm thu phí BOT sẽ xuất hiện cách nhau 70km. Điều đáng nói, mức phí qua các trạm dự kiến tăng 3,5 lần so với trước và việc thu phí qua trạm này kéo dài 25 năm. Trạm BOT sẽ dùng tiền của mình để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường BOT, chứ không dùng tiền phí đường bộ (Quỹ bảo trì đường bộ). Do đó không có chuyện phí chồng phí. Chính vì mọi chuyện đều đang dự tính nên các HTX vận tải ô tô trong tỉnh càng lo ngại.

Theo ông Dương Đức Ý, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Bình Thuận, vào cuối tháng 10, hiệp hội sẽ tổ chức hội nghị phân tích mức chịu thuế, phí cũng như cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các HTX ô tô trong tỉnh khi Thông tư 133 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào ngày 1/11/2014. Dù còn nhiều khó khăn nhưng sự miễn, giảm phí từ Thông tư 133 đã mở lối kinh doanh cho các đơn vị…

 

Theo Báo Bình Thuận

.