(BVPL) - Luật Tiếp công dân năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 quy định cụ thể về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Tiếp công dân, việc tiếp công dân được thực hiện thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân ở 03 cấp: Trung ương và quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Để việc tiếp công dân có quy củ, chuyên trách, không kiêm nhiệm, tại khoản 3 Điều 10 Luật Tiếp công dân (2013) quy định việc thành lập “Ban tiếp công dân để trực tiếp quản lý trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân”. Theo đó, Ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Ban tiếp công dân cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh thành lập, trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh và Ban tiếp công dân cấp huyện do UBND cấp huyện thành lập, trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND cấp huyện, do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân cấp huyện. Riêng cấp xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp công dân không quy định phải có Trụ sở tiếp công dân, Ban tiếp công dân mà việc tiếp công dân được thực hiện tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và giao cho Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân (khoản 1, 2 Điều 15).
Như vậy là tới đây, các Ban tiếp công dân sẽ được thành lập để thực hiện nhiệm vụ “tiếp công dân thường xuyên” theo Luật tiếp công dân. “Tiếp công dân thường xuyên” có nghĩa là công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh đều được Ban tiếp công dân các cấp trực tiếp giải quyết vào bất kỳ các ngày làm việc nào trong tuần, chứ không phải tiếp định kỳ như quy định trước đây. Luật tiếp công dân còn quy định cụ thể việc tiếp công dân của lãnh đạo ở cấp Trung ương và cấp tỉnh: Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này” (khoản 5 Điều 11; khoản 5 Điều 12). Riêng việc tiếp công dân ở cấp huyện, xã, phường, thị trấn, Luật tiếp công dân quy định là Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND ít nhất 01 ngày trong 01 tuần và thực hiện việc tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này. Ngoài ra, việc tiếp công dân thường xuyên còn có một ý nghĩa khác quan trọng hơn, đó là công dân đến khiếu nại, tố cáo phản ánh, được biết ngay kết quả giải quyết. Tại khoản 4 Điều 18 Luật Tiếp công dân quy định: “Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trong trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.
Rõ ràng, Luật Tiếp công dân đã quy định cụ thể, chặt chẽ về thời gian tiếp công dân (các ngày trong tuần) về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (được trả lời ngay), chắc rằng việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh trong thời gian tới sẽ không còn tình trạng đùn đẩy, né tránh kéo dài thời gian trả lời, giải quyết dẫn đến khiếu kiện tập thể đông người, gây mất niềm tin của công dân, mất trật tự trị an xã hội ở địa phương.
Nguyễn Văn Lương