Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân như trên còn có ý nghĩa như giấy thông hành cho trẻ em phục vụ cho việc đi lại
 


Dự án Luật Hộ tịch và Dự án Luật Căn cước công dân đang được trình xin ý kiến Quốc hội. Đây là hai Dự án Luật quan trọng, một mặt nhằm thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, góp phần tăng cường công tác quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, mặt khác tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện thành công Đề án Tổng thể đơn giản hóa Thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 896).

Tuy nhiên, quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng hai Dự án Luật, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa thống nhất được là nên cấp Thẻ căn cước công dân (CCCD) hay là Giấy khai sinh cho trẻ em mới sinh. Bởi lẽ cả hai Dự án Luật đều đề cập đến việc cấp các loại giấy tờ này cho công dân ngay từ khi mới sinh. Nhưng trong khi Dự thảo Luật Hộ tịch quy định giao công chức Tư pháp – hộ tịch cấp Giấy khai sinh và cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thì Dự thảo Luật CCCD lại quy định trẻ em sinh ra được cơ quan Công an cấp Thẻ CCCD và Số định danh cá nhân.  

Thực tế, quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn triển khai ở nước ta từ trước đến nay cho thấy, Giấy khai sinh là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng, giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân như họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, họ và tên cha mẹ. Giấy khai sinh cũng là cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, chứng minh nhân dân. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân như trên còn có ý nghĩa như giấy thông hành cho trẻ em phục vụ cho việc đi lại.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Dự thảo Luật CCCD thì CCCD là “thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác”. Với quy định này rõ ràng có thể thấy, việc cấp Thẻ CCCD cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm “căn cước” trong Dự thảo Luật. Bởi lẽ với độ tuổi từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhân dạng của trẻ em chưa ổn định. Kết quả nghiên cứu từ trên 100 quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp Thẻ CCCD cũng cho thấy, tuyệt đại đa số các nước đều cấp thẻ CCCD cho những người ở độ tuổi 14, 15, 18 là khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi. Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam, công dân từ đủ 14 tuổi là độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cấp Thẻ CCCD cho người từ đủ 14 tuổi trở lên như cấp CMND hiện nay là hoàn toàn phù hợp.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 896 để cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề thuộc nội dung Dự án Luật CCCD và Dự án Luật Hộ tịch liên quan đến việc đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục hành chính  với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã kết luận, “sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng và chính thức đi vào vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức Tư pháp hộ tịch nhập thông tin khai sinh của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân ghi vào sổ hộ tịch, trích lục khai sinh”. Theo đó, “Dự thảo Luật CCCD không quy định cấp Thẻ CCCD cho công dân từ khi sinh ra đến 14 tuổi”.

Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khi thảo luận về hai Dự án Luật cũng nhất trí việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em từ khi mới sinh là cần thiết và việc giao công chức Tư pháp hộ tịch cấp Giấy khai sinh và Số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh như Dự thảo Luật Hộ tịch là phù hợp, bảo đảm thực hiện mục tiêu đã được xác định tại Đề án 896. Tuy nhiên, trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, để tiết kiệm hơn nữa cho người dân nên cấp Thẻ CCCD cho trẻ em ngay từ khi sinh ra, thay vì làm Giấy khai sinh. Như vậy, trong đời người cũng chỉ có duy nhất Thẻ CCCD. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình ra phương án để cho Quốc hội là người quyết định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định được cấp Chứng minh nhân dân hay sau này gọi là Thẻ CCCD.


Theo PL&XH