Rượu ’quê’ không nhãn mác bị cấm
Cập nhật lúc 10:13, Thứ năm, 03/01/2013 (GMT+7)
(BVPL) - Từ ngày 1/1/2013, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định các loại rượu đều phải có nhãn mác, hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép. Trường hợp không có giấy phép bị cấm lưu hành.
Anh Duy Hưng, chủ cơ sở nấu rượu ở một làng sát Thổ Tang, vùng buôn bán sầm uất thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, hàng ngày gia đình anh vẫn nấu khoảng vài chục lít, phục vụ chủ yếu nhu cầu người dân trong làng. Rượu gia đình anh nấu khá ngon nên rất đông khách, nấu đến đâu bán hết đến đó. Giá cũng chỉ khoảng 12.000-13.000 đồng mỗi lít.
"Nghị định 94 gì đó tôi cũng không để ý đâu. Rượu nhà tôi đảm bảo chất lượng. Chủ yếu phục vụ những người quen trong làng, giờ cấm thì chết", anh Hưng cho biết.
Dịp cận Tết, gia đình anh Hưng vẫn tăng cường nấu thêm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng những ngày cao điểm. Anh cho biết thêm, không chỉ có nhà anh, trong làng cũng có rất nhiều nhà nấu rượu. Tại một đám cưới cùng làng của anh Hưng, diễn ra đúng sáng 1/1/2013, rượu "quê" không nhãn mác vẫn được mua về phục vụ khách dự cưới.
Hầu hết người tại đám cưới đều cho rằng rượu không đảm bảo chất lượng cũng rất nguy hiểm, nên kiểm tra chất lượng rượu là rất đúng, nhưng nếu cấm rượu không nhãn mác lưu hành sẽ khó cho những người dân buôn bán nhỏ lẻ.
"Quy định nấu rượu phải có giấy phép, nhãn mác…tôi chưa biết. Quanh năm tôi có ra khỏi làng đâu mà biết đăng ký với giấy phép. Hiện nhà tôi vẫn nấu và bán bình thường…", bác Hà, người làng Lũng Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ.
Bác Đường, nhà ở Sóc Sơn, Hà Nội, khách mời của đám cưới cho biết, nhà bác vẫn mua loại rượu trắng, do dân trong vùng nấu và đều không có nhãn mác. Đợt Tết Âm lịch sắp tới, bác Đường vẫn dự định sẽ đặt mua khoảng vài lít rượu để dùng.
Trên đoạn đường đôi vào khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội, dọc một bên phố là hàng loạt quán đặc sản vịt Vân Đình. Tại đây, nhiều chủ quán cho biết, họ vẫn mua rượu "quê" không nhãn mác để phục vụ khách hàng với giá rẻ, nhưng vị rất ngon. Khi nói về vệ sinh an toàn thực phẩm, các chủ quán đều khẳng định, rượu không nhãn mác nhưng là mối quen nấu và đưa tận nơi, nên đảm bảo chất lượng.
Tính đến giữa tháng 12/2012, số người ngộ độc vì rượu ở Việt Nam chiếm khoảng 3,5%. Đồng thời, số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% trên tổng lượng bệnh nhân qua đời vì ngộ độc thực phẩm nói chung.
Theo VnMedia
.