Tại cuộc họp báo ngày 16-10, ông Trần Văn Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho biết nhiều ý kiến trong ban soạn thảo BLTTHS sửa đổi cho rằng “quyền im lặng là tốt đấy nhưng đã thực sự phù hợp với điều kiện hiện nay chưa thì cần phải hết sức cân nhắc”.
 
Theo ông Trần Văn Dũng, câu chuyện về quyền im lặng được nhắc đến nhiều sau phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Tổ chức TAND sửa đổi. “Quyền im lặng là quyền được pháp luật tố tụng hình sự của nhiều quốc gia ghi nhận. Mục đích của quy định là đảm bảo giúp người bị bắt, tạm giam được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý nếu như mình không tự bảo vệ được. Đồng thời, ở góc độ nào đó tránh được hành vi bức cung, nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam”.
 
E ngại về trợ giúp pháp lý
 
Ông Dũng cho hay ban soạn thảo BLTTHS sửa đổi và nhóm chuyên gia, thành viên tổ biên tập đã nhóm họp và có nhiều ý kiến khác nhau. Tại các cuộc họp, các câu hỏi mà ban soạn thảo đặt ra là: Nếu quy định quyền im lặng thì nghi can im lặng tới khi nào? Im lặng tới khi có trợ giúp pháp lý, tới khi có luật sư tới thì khai hay im lặng suốt cả quá trình tố tụng? Nếu im lặng suốt thì nghi can khai khi nào, cơ quan tố tụng làm sao lấy được cung?
 
Theo ban soạn thảo, BLTTHS hiện hành dù chưa ghi nhận trực tiếp quyền im lặng nhưng đã manh nha đề cập đến rồi, thông qua các quy định như người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời chứ không phải có nghĩa vụ trả lời. Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được thông tin cho cơ quan điều tra, cán bộ điều tra biết về những hành vi nhằm gỡ tội cho mình chứ không bị bắt buộc có nghĩa vụ trả lời. Như vậy ở góc độ nào đó quyền im lặng đã được quy định trong BLTTHS Việt Nam “nhưng không quy định trực tiếp”.
 
Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc luật hóa quyền im lặng. Ảnh minh họa: Nhật Anh
Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc luật hóa quyền im lặng. Ảnh minh họa: Nhật Anh
 
Cũng theo ông Dũng, việc thực hiện quyền im lặng liên quan nhiều tới sự trợ giúp pháp lý của luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Nhiều ý kiến trong ban soạn thảo cho rằng khả năng đáp ứng trợ giúp pháp lý ở ta còn nhiều bất cập, số lượng trợ giúp pháp lý, luật sư còn hạn chế và tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với số lượng bị can, bị cáo. Hơn nữa, việc phân bổ trợ giúp pháp lý, luật sư ở các địa bàn, vùng miền là rất khác nhau.
 
“Nếu quy định thẳng quyền im lặng vào BLTTHS thì phải hết sức cân nhắc. Vì đã quy định thì chúng ta buộc phải thực hiện, trong khi đó đội ngũ luật sư của chúng ta như thế thì sẽ rất phức tạp. Quyền là tốt đấy nhưng trong điều kiện hiện nay thì cần phải hết sức cân nhắc” - ông Dũng nhấn mạnh.
 
Tăng mức hoàn trả khi công chức làm sai
 
Về công tác bồi thường nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ đầu năm đến nay cả nước đã thụ lý 101 vụ việc và giải quyết xong 53 vụ, bồi thường 8,7 tỉ đồng.
 
Trả lời câu hỏi của báo chí về số lượng, cũng như số tiền mà cán bộ, công chức phải hoàn trả do làm sai là bao nhiêu, ông Trần Việt Hưng (Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước) cho hay chỉ mới có tám công chức hoàn trả với tổng số tiền là 500 triệu đồng.
 
Theo ông Hưng, trong tố tụng hình sự, chỉ những trường hợp cố ý thì mới bị xem xét trách nhiệm hoàn trả, còn đối với vô ý thì không xem xét hoàn trả. Việc hoàn trả đã được quy định rõ, công chức có lỗi cố ý mà chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hoàn trả không quá 36 tháng lương, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải hoàn trả 100% số tiền bồi thường.
 
“Với quy định như vậy thì ai cũng nói thấp quá. Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi quy định theo hướng tăng mức hoàn trả đối với lỗi cố ý trong chừng mực nào đó để bảo đảm sức răn đe” - ông Hưng cho biết thêm.
 
Thẻ căn cước không thay thế được giấy khai sinh
 
Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch và Chứng thực, Bộ Tư pháp) cho hay việc bỏ cấp giấy khai sinh và thay thế bằng cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là không phù hợp, gây khó khăn nhiều cho chính công dân Việt Nam. Vì thế trong dự thảo Luật Hộ tịch mới nhất, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vẫn đề nghị giữ lại hai giấy khai sinh và chứng nhận kết hôn.
 
“Giấy khai sinh đã được áp dụng từ rất lâu, đến ngày hôm nay trở thành một thói quen đi vào cuộc sống người dân, không có bức xúc gì đặt ra cả. Khi cắt giảm giấy tờ không có nghĩa là cắt hết tất cả, có cái cắt được, có cái không cắt được. Quan điểm của Bộ Tư pháp và Chính phủ là nên giữ lại giấy khai sinh” - ông Khanh nói.

 

Theo Pháp luật TPHCM