Về các biện pháp bảo vệ, Nghị định nêu rõ, các đối tượng quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống mua bán người được áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ khi có căn cứ cho rằng họ đang có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác.
Biện pháp trước hết là bố trí nơi tạm lánh an toàn. Trường hợp có căn cứ cho rằng, các đối tượng được bảo vệ có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe thì các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ quy định tại Điều 13 Nghị định này bố trí nơi tạm lánh an toàn cho họ. Nơi tạm lánh phải bảo đảm các điều kiện cơ bản về ăn, ở, chăm sóc y tế và bảo mật thông tin.
Bên cạnh đó là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại. Cụ thể gồm: Bảo vệ thông tin cá nhân, nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ; bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ; kịp thời phát hiện nguy cơ bị đe dọa, xâm hại sức khỏe, tính mạng của người được bảo vệ và áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp không đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp bảo vệ thì đề nghị cơ quan Công an, Quân đội hỗ trợ áp dụng biện pháp bảo vệ.
Một nội dung khác là người được bảo vệ từ chối hoặc không chấp hành đầy đủ biện pháp bảo vệ. Trường hợp có căn cứ cho rằng lý do từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ là chính đáng, cam kết bằng văn bản về việc tự chịu trách nhiệm an toàn của người được bảo vệ thì cơ quan có thẩm quyền không áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người này.
    |
 |
Lực lượng biên phòng Lai Châu bắt giữ đối tượng trong đường dây mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ: VOV) |
Trường hợp người được bảo vệ từ chối biện pháp bảo vệ nhưng cơ quan hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ có căn cứ cho rằng việc từ chối là do bị đe dọa, khống chế, mua chuộc hoặc ép buộc, thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp bảo vệ phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn cho người đó.
Trường hợp sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ nhưng người đó không thực hiện theo hướng dẫn, quy định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thì người được bảo vệ phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.
Việc ghi nhận lý do từ chối và quyết định tiếp tục hay điều chỉnh biện pháp bảo vệ trong các trường hợp nêu trên phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người được bảo vệ và người áp dụng biện pháp bảo vệ; lưu giữ tại hồ sơ quản lý theo quy định.
Một nội dung khác được nêu tại Nghị định đó là về Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người (Tổng đài). Theo đó, Tổng đài sử dụng số điện thoại ngắn (111) của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.
Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi mua bán người, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và miễn cước phí đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.
Tổng đài được quảng bá số điện thoại theo quy định của pháp luật chuyên ngành về viễn thông, quảng cáo.
Nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người gồm: Tiếp nhận tố giác, tin báo từ cá nhân, cơ quan, tổ chức về hành vi mua bán người.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan giải quyết tố giác, tin báo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này; cung cấp thông tin khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức báo tin, tố giác qua điện thoại theo quy định của pháp luật.
Lưu trữ thông tin, dữ liệu liên quan đến tố giác, tin báo và thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin dữ liệu.
Nghị định 162/2025/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.