Theo đó, Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, quan hệ công tác, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND” (Ban Chỉ đạo). Quy chế áp dụng đối với Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong ngành KSND.

Về chức năng của Ban Chỉ đạo, Quy chế nêu rõ: Ban Chỉ đạo tham mưu giúp Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao thể chế hoá các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ quan nhằm hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định của Ngành đảm bảo dân chủ trong hoạt động hành chính của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (VKSND cấp tỉnh), VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (VKSND cấp huyện); quyền dân chủ của công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo đó là: Tham mưu giúp Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước và của ngành KSND về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND.

Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND, hằng năm đề ra chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh.

Trực tiếp tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra việc quán triệt và thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị.

Chủ động nghiên cứu, tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Ban Chỉ đạo Trung ương), kiến nghị với Đảng, Nhà nước về việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo quyền dân chủ của công dân và của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân. (Ảnh minh hoạ: Nguồn BVPL)

Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND và các báo cáo khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao.

Làm việc với cấp uỷ Đảng; yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện cung cấp thông tin, tài liệu về những nội dung liên quan đến việc xây dựng và thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND. Đồng thời, dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, các hội nghị chuyên đề ở các đơn vị, VKSND các cấp về thực hiện dân chủ.

Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tiếp thu ý kiến của công chức, viên chức và người lao động về những nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND nhằm rút ra được những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Kiến nghị, đề xuất với Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao về những chủ trương, giải pháp nhằm chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND.

Đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện dân chủ và Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND; khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt dân chủ. Đồng thời, Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của VKSND tối cao khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Mặt khác, Quy chế cũng nêu rõ về cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định thành lập. Ban Chỉ đạo có Trưởng Ban là Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng Ban là Chánh Thanh tra VKSND tối cao và các thành viên gồm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, đại diện đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Thường trực Ban Chỉ đạo gồm Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban. Thanh tra VKSND tối cao là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giao các thành viên Tổ giúp việc thuộc Thanh tra VKSND tối cao, do Tổ trưởng Tổ giúp việc trực tiếp phân công và điều hành dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Tổ giúp việc do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập. Tổ giúp việc có Tổ trưởng là Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Tổ phó và các thành viên, do Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề xuất.

Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc: Chịu sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; họp bàn, quyết định các vấn đề theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện theo chương trình, kế hoạch công tác và phục vụ kịp thời yêu cầu của Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Ngoài ra, Quy chế còn đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo. Cụ thể: Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo.

Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc giải quyết công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; phân công và đôn đốc, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Dự các cuộc họp khi được Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao hoặc cơ quan, tổ chức khác mời liên quan đến thực hiện dân chủ. Đồng thời, tổ chức và điều hành các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

P.V