(BVPL) - Thông tư mới hướng dẫn chế độ thu, nộp Quỹ bảo trì đường bộ đã miễn, giảm phí cho hàng loạt các xe kinh doanh vận tải như: xe buýt, rơ - moóc và các xe tạm dừng không lưu hành bắt đầu áp dụng từ ngày 1/11/2014. Đây là sự điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của các phương tiện nêu trên.
Tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp
Ngay sau khi triển khai thực hiện Thông tư 197/2012/TT-BTC năm 2012 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đã “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng bởi theo họ, nhiều phương tiện trong thực tế không lưu hành trên đường cũng bị thu phí. Điển hình như đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container cho rằng: “Doanh nghiệp thường mua hai đến ba rơ -moóc hoặc sơmi rơ -moóc cho mỗi một đầu kéo nhưng khi hoạt động thì mỗi đầu kéo chỉ kéo theo được một rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc. Vì thế, quy định thu phí theo từng rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc là không hợp lý bởi thực tế chúng chỉ hoạt động luân phiên, đi theo mỗi đầu kéo”…
Vì thế Thông tư số 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thay thế Thông tư 197/2012/TT-BTC năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 đã tăng thêm 3 nhóm ô tô thuộc lĩnh vực dân sự không phải nộp phí.
Cụ thể các loại xe như: Xe bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (do tai nạn, thiên tai, cơ quan chức năng tịch thu..). Xe kinh doanh thuộc các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên; Xe không tham gia giao thông, sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ mà chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng bỏ thu phí đối với rơ - moóc và sơmi rơ - moóc, chỉ tính phí đầu kéo cộng với trọng lượng cho phép kéo theo. Đối với xe buýt, mức phí cũng được giảm, đưa về mức tương đương với xe ô tô dưới 9 chỗ…
Theo ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Quy định mới rất tốt cho doanh nghiệp, tháo gỡ những bất cập trước đây mà nhiều doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị để phù hợp với thực tế hoạt động của các phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh”.
|
Bỏ thu phí đối với rơ - moóc và sơmi rơ - moóc. |
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, Cục đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới toàn quốc các nội dung mới của thu phí đường bộ, trong đó yêu cầu trích dẫn, niêm yết công khai quy định về các trường hợp phương tiện không phải nộp phí, quy trình, thủ tục trả lại hoặc bù trừ phí. Chẳng hạn, đối với xe không phải nộp phí do bị thu hồi giấy đăng ký, chậm nhất trong 3 ngày làm việc (và đủ hồ sơ) sẽ có được trả lại phí.
Lo ngại gian lận trong khai báo tình trạng phương tiện
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay cả nước có gần 2 triệu xe ôtô đang lưu hành. Sau khi Thông tư mới có hiệu lực, số lượng phí sử dụng đường bộ miễn, giảm cho phương tiện có thể chiếm 20-30% kế hoạch năm 2014, tương đương trên dưới 1 nghìn tỷ đồng. Điều này sẽ khiến nguồn thu Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương giảm đi nhưng lại giúp cho nhiều doanh nghiệp vận tải giảm bớt khó khăn, nhất là doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo cách tính đơn giản, một chiếc xe tải loại 30 tấn thuộc diện miễn phí đường bộ sẽ không còn phải nộp 12.480.000 đồng/năm. Hay một xe buýt loại 40 chỗ từ mức phí 7.080.000 đồng/năm sẽ giảm xuống chỉ còn 2.160.000 đồng/năm. Như vậy số tiền mà các doanh nghiệp vận tải không phải bỏ ra để đóng phí đường bộ sẽ rất lớn.
Trong số 3 nhóm phương tiện sắp tới được miễn phí sử dụng đường bộ, có lẽ nhóm thứ 3 là các xe chạy trong khu vực đường nội bộ chiếm số lượng nhiều nhất và đây cũng là trường hợp dễ bị nhà xe gian dối nhằm trốn nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ.
Theo quy định, để được miễn phí, chủ xe sẽ phải làm đơn đề nghị Sở GTVT địa phương xác nhận và chuyển đơn đã được xác nhận đến cơ quan đăng kiểm, trên cơ sở đó sẽ không cấp tem đăng kiểm (dán trên kính) mà chỉ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Khi muốn chuyển sang phạm vi hoạt động, chủ xe gửi văn bản đến Sở GTVT, cơ quan đăng kiểm và thực hiện nộp phí.
Theo ông Võ Thanh Bình – Trưởng phòng Tài chính (Cục Đăng kiểm Việt Nam): “Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ có thể xảy ra tiêu cực, chẳng hạn như chủ xe móc ngoặc với đối tượng tiêu cực để xác nhận không đúng với thực tế. Tương tự, khả năng gian lận cũng có thể xảy ra với trường hợp xe xin tạm dừng kinh doanh, nhất là với xe vận tải hàng hóa”.
Bà Ngô Bích Thủy - Phó Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết: “Việc triển khai Thông tư mới dự báo cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là trong việc giám sát tại các địa phương, mà một trong những nguyên nhân là Sở GTVT vẫn số lượng người như hiện tại, nhưng phải thêm việc kiểm tra, giám sát phương tiện xin miễn phí đường bộ, trong khi không được bố trí kinh phí thực hiện”.
PV